Khoảng 2 tuần trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng thượng vị và quanh rốn, không nôn, không buồn nôn, không sốt, gầy sút 8kg/1 năm, kèm mệt mỏi nhiều, ăn uống kém.
Kết quả cận lâm sàng cho hình ảnh tổn thương gan, tổn thương đa ổ ở gan, theo dõi áp xe.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công – trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Đứng trước tổn thương gan như vậy, các bác sĩ đặt vấn đề phân biệt tổn thương u và nhiễm ký sinh trùng và quyết định nội soi tiêu hóa, chụp CT/MRI ngực bụng, bộ xét nghiệm ký sinh trùng, xem xét sinh thiết tổn thương gan.
Kết quả nội soi dạ dày: Viêm dạ dày – Viêm dạ dày trào ngược HP âm tính. CT ngực bình thường, MRI bụng kết quả hình ảnh các ổ ngấm thuốc tại gan theo dõi tổn thương thứ phát. Kết quả sinh thiết tổn thương gan: Tổn thương viêm hạt giàu bạch cầu ái toan.
Kết quả ELISA 14 loại giun sán dương tính với giun đũa chó (Toxocara canis). Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan do Toxocara canis, được điều trị phác đồ tẩy giun chuẩn Bộ Y tế, khi tình trạng ổn định được ra viện.
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã chẩn đoán rất nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa chó với các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, đây chỉ là một ca bệnh điển hình với tổn thương tại gan.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần phòng bệnh bằng cách vệ sinh tốt, tẩy giun định kỳ cho vật nuôi là những chiến lược quan trọng, rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất cao, thực hiện ăn chín uống sôi…