Tại các bệnh viện nhi đồng và phòng khám chuyên về cơ xương khớp, hình ảnh trẻ em mắc bệnh cong vẹo cột sống ngày càng trở nên phổ biến. Mức độ cong vẹo cột sống cũng như độ tuổi mắc phải căn bệnh này đều đang ở mức đáng báo động.
BS CKI Nguyễn Quý Hoàng, Phòng khám Chuyên khoa Phục hồi chức năng MTT REHA Clinic cho biết: “Trước đây chúng tôi chỉ gặp phải tình trạng là thoái hóa ở người trung niên, lớn tuổi trở lên. Nhưng bây giờ là các bạn thanh niên đã có thoái hóa rồi. Thiếu niên thì chưa thoái hóa nhưng mà biến dạng cột sống rất là nhiều. Bị gù cột sống, cong, lệch, vẹo cột sống do tư thế ngồi học sai, ngồi trong thời gian dài, hoạt động cuộc sống ít.”
Cong vẹo cột sống diễn tiến âm thầm và thường chỉ được phát hiện khi đã ở mức độ nặng cần can thiệp. Ở mức độ nhẹ, tức độ cong vẹo dưới 15 độ hầu như không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Tuy nhiên từ 25 độ trở lên thì có thể dẫn đến:
- Lệch hông
- Giảm chiều cao
- Đau lưng, đau chân
- Yếu cơ
- Mất khả năng vận động
- Rối loạn hô hấp và nhịp tim.
Tầm soát phát hiện sớm chính là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị.
Bác sĩ Hoàng cũng cảnh báo: “Không phải để đến khi bị bệnh lý chúng ta mới đi kiểm tra. Mà cũng phải giống như là chúng ta khám sức khỏe thường quy, mỗi năm từ 1 đến 2 lần. Thì sức khỏe về hệ vận động, về hệ thống cơ, xương, khớp, thần kinh, cột sống cũng phải được đánh giá thường xuyên như vậy. Để biết xem là hiện giờ chúng ta đang ở mức độ nào.”
Chụp x-quang cột sống là biện pháp phổ biến để tầm soát cong vẹo cuộc sống. Ngoài ra còn có hệ thống quét ảnh lập thể cột sống và dáng bộ 4 chiều không sử dụng tia X có thể tầm soát thường xuyên, kịp thời, điều chỉnh sau từng giai đoạn trị liệu.