Khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận tới 5 trường hợp các em trong độ tuổi vị thành niên 15 – 19 tuổi vào viện với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, hóa chất ăn mòn (chất tẩy rửa bồn cầu) do tự tử.
Qua khai thác, tìm hiểu thông tin từ gia đình thì các trường hợp bệnh nhân này đều có những biểu hiện của trầm cảm như buồn, lo âu, u uất và trước đó đã có một hoặc vài lần có ý định tự tử.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.P.H. (17 tuổi, trú tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được Trung tâm Y tế huyện Bình Gia chuyển đến với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ.
Trước đó khoảng 6 giờ, do mâu thuẫn với bạn gái, bệnh nhân tự uống thuốc diệt cỏ, được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Trong quá trình theo dõi, điều trị, bác sĩ cho biết bệnh nhân này có hoàn cảnh sống khá phức tạp, nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm lý. Đặc biệt bệnh nhân có những biểu hiện buồn, lo âu, u uất, dễ cáu giận, không thích nói chuyện… Đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng do không được chẩn đoán và điều trị sớm nên đã dẫn đến hành vi tự tử ở người bệnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, khi người bệnh tự tử, có 2 trường hợp để xác định nguyên nhân, thứ nhất là do bệnh nhân bị trầm cảm, thứ hai là do bệnh nhân bị tâm thần có ảo giác. Tự tử chính là một trong những biểu hiện nặng của bệnh trầm cảm.
Trẻ vị thành niên bị trầm cảm ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy “không vui” hoặc “buồn”; ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự tử. Do đó, trẻ vị thành niên bị trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời là cần thiết và rất quan trọng đối với sức khỏe về thể chất và tinh thần, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người.
Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên. Nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, mà thường nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến trầm cảm ở trẻ vị thành niên. Nguy cơ trẻ bị trầm cảm tăng lên nếu trong gia đình có người bị trầm cảm.
Một số trẻ bị trầm cảm do bị trải qua những điều căng thẳng trong cuộc sống như áp lực, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ về học tập, mâu thuẫn bạn bè lâu ngày không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm đối với trẻ… Một số khác bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bị mất đi người thân, gia đình tan vỡ. Một số trải qua tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như chấn thương, bệnh tật… Những điều này khiến trẻ bị căng thẳng, buồn bã hoặc đau buồn kéo dài dẫn đến bị trầm cảm.
Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ
– Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.
– Biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây.
– Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng.
– Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn.
– Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội.
– Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.
– Trẻ rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều.
– Bất thường ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn.
– Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử.
– Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…
Đối với trẻ vị thành niên có bệnh trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người.
Đặc biệt khi trẻ cảm thấy bị tấn công bằng lời nói, hành động, cử chỉ thì sẽ có hiện tượng nổi loạn, muốn phản kháng lại và ngừng tiếp nhận thông tin. Biểu hiện đó dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn với sự khủng hoảng, nổi loạn của lứa tuổi.
Cha mẹ cần làm gì khi con có các dấu hiệu trầm cảm
– Đừng lơ là các dấu hiệu của con: Cha mẹ cần quan tâm con, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét con. Cha mẹ nên trò chuyện với con, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ những gì mà trẻ đang trải qua; thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc.
– Động viên kết nối với xã hội: Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Cha mẹ hãy khéo léo giúp con tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…
– Ưu tiên hàng đầu củng cố sức khỏe thể chất: Sức khỏe thể chất và tinh thần có sự kết nối chặt chẽ. Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Ngày nay, trẻ vị thành niên thường có những thói quen không lành mạnh như: thức khuya, dậy muộn, ăn các món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại, máy tính. Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.
– Cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia: Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý học. (Có thể khám và tư vấn tại Phòng khám chuyên khoa Tâm thần – Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn).
Phòng bệnh trầm cảm ở trẻ em như thế nào?
Phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ quan tâm và áp dụng liên tục các biện pháp như:
– Luôn lắng nghe trẻ: Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, bởi sẽ gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ.
– Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ: Cha mẹ cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Bố mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, từ đó làm gương cho trẻ làm theo.
– Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ: Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm. Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân và chú ý không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập để trẻ có được tâm lý tốt.
– Giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực: Các bậc cha mẹ không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém hơn bạn bè mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu. Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.
– Nhận biết những biểu hiện của trẻ: Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị trầm cảm rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này.