Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh do phế cầu khuẩn hiện là vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề nhất đến trẻ em và người cao tuổi.
ThS. BS Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Vi khuẩn phế cầu là một vi khuẩn mà gây bệnh lý viêm phổi. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi và tình trạng miễn dịch của mỗi người, mà sẽ có những bệnh lý khác nhau liên quan tới phế cầu khuẩn, ví dụ như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan toàn thân.”
Dự phòng phế cầu khuẩn đặc biệt quan trọng với người cao tuổi. Những biến chứng do bệnh phế cầu không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có nguy cơ gây tử vong.
Bà Nguyễn Thị Miến, Xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội bày tỏ: “Tiêm ngừa phế cầu để bảo đảm phế quản, phổi hoặc là những các bệnh khác gây cho mình bệnh tật trầm trọng.”
Bà Nguyễn Thị Lý, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng hay ho, bị viêm phổi thì cũng có nhiều trường hợp chết, cho nên là tôi đi tiêm phế cầu để mình tránh được viêm phổi, cũng tránh lây lan cho mọi người.”
Ở người lớn tuổi, bất kể có bệnh lý nền hay không, đều là những người có nguy cơ mắc phế cầu, bởi hệ miễn dịch đã suy yếu dần theo thời gian.
Bác sĩ Hiền Minh cho biết thêm: “Đối với người lớn tuổi có rất nhiều bệnh lý nền, họ sử dụng rất nhiều thuốc, đáp ứng với thuốc họ cũng khó khăn hơn, và đồng thời những bệnh lý nên khi bạn nhiễm phế cầu khuẩn, nó lại kèm trầm trọng, nặng thêm những bệnh lý nền mãn tính của họ.”
Dự phòng phế cầu khuẩn là một hành động đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Người lớn tuổi có hoặc không có bệnh nên đều nên dự phòng phế cầu. Trong trường hợp đã dự phòng rồi thì cũng rất cần dự phòng phối hợp thêm vaccine có nhiều chủng hơn để tăng cường kháng thể đối với những chủng đã được dự phòng trước đó, đồng thời bổ sung thêm kháng thể đối với các chủng mới nhằm có một sức khỏe tốt và sống vui, sống khỏe cùng con cháu.