Bệnh nhi (7 ngày tuổi) vào viện trong tình trạng vàng da vùng V (từ vùng mặt đến bàn chân, tay) bỏ bú, tăng trương lực cơ, li bì.
Ngay lập tức, bệnh nhi được làm các xét nghiệm và kết quả định lượng Bilirubin máu tăng rất cao, Bilirubin toàn phần 599.5 umol/l (chỉ số Bilirubin bình thường < 170umol/l).
Kết hợp với mẹ có nhóm máu O, bệnh nhi có nhóm máu B, các bác sĩ chẩn đoán: Vàng da tăng Bilirubin tự do quá mức do bất đồng nhóm máu mẹ con, nguy cơ vàng da nhân não.
Ngay trong đêm, bệnh nhi đã được các bác sĩ thay máu toàn phần và chiếu đèn vàng da tích cực, quá trình thay máu diễn ra trong 3 tiếng.
Ngay sau quá trình thay máu và chiếu đèn, tình trạng bệnh nhi đã có tiến triển một cách rõ rệt, Bilirubin toàn phần giảm từ 599.5 umol/l xuống còn 327 umol/l.
Hiện tại, sau 11 ngày được chăm sóc rất tích cực, bệnh nhi đã hết vàng da, bú tốt, không còn các triệu chứng tăng trương lực cơ và được ra viện.
Vàng da tăng Bilirubin tự do ở trẻ sơ sinh rất hay thường gặp, nguy cơ vàng da nhân não ở trẻ rất dễ xảy ra, đặc biệt trong tuần đầu sau sinh, ở các trẻ đẻ non… Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, do Bilirubin trong máu tăng cao gây nguy cơ tổn thương não để lại các di chứng nặng nề không thể hồi phục như bại não, múa vờn, bại liệt, rối loạn thính lực…
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Gia đình có con trong độ tuổi sơ sinh nhất là trẻ sau sinh 3 ngày, nếu có dấu hiệu vàng da cần phải được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp nhất, tránh các biến chứng tổn thương não ảnh hưởng đến tương lai các bé.