Bệnh nhi H.N.H. (13 tuổi) bị vật nhọn không rõ đâm vào ngón 2 chân phải trước đó 5 ngày. Gia đình tự rạch mủ ở chân cho bệnh nhi, không tiêm ngừa uốn ván.
Cách nhập viện 2 ngày, dù vết thương ở chân đã khô nhưng bệnh nhi mệt mỏi và xuất hiện cứng hàm, khó nói, co cứng cơ vùng cổ, sau đó lan xuống vùng lưng và bụng, tự điều trị không giảm. Cùng ngày nhập viện, bệnh nhi vẫn còn cứng hàm nhiều, co gồng toàn thân nên được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhi co gồng liên tục, suy hô hấp nặng được nhanh chóng đặt nội khí quản, chống co giật tại và chuyển Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc.
Qua hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán uốn ván mức độ nặng. Bệnh nhi được cách ly trong phòng riêng, hạn chế tiếng ồn, ánh sáng và các kích thích bên ngoài. Các bác sĩ cho bệnh nhi thở máy, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng an thần, chống co giật, giãn cơ, kháng sinh phổ rộng chống nhiễm trùng, nuôi ăn tĩnh mạch.
Ngoài dùng thuốc điều trị tích cực, trong thời gian nằm viện gần 1 tháng, bệnh nhi được điều dưỡng viên chăm sóc toàn diện bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập vận động phục hồi chức năng, vệ sinh cá nhân, chăm sóc răng miệng.
Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhi giảm co gồng, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể tự thở nên được cai máy thở và phục hồi vận động gần như bình thường.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Thông thường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở bị nhiễm bẩn (đất, cát bụi, phân người hoặc súc vật).
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi có vết thương hở trên cơ thể tuyệt đối không chủ quan. Vết xước dù nhỏ nhưng rất nguy hiểm; hoặc nếu sơ cứu sai cách sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn uốn ván, âm thần làm cho bệnh tiến triển tăng nặng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.