Vào cuối tháng 6, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng tiếp nhận bé gái P.N.T.K. (42 tháng tuổi, trú tại Thạnh Quới, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên. Bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, ăn kém, lơ mơ, mạch 190 lần/phút.
Theo người nhà kể lại, bé bị sốt 3 ngày, ho, sổ mũi, có uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi. Bé được chỉ định nhập viện tại Khoa Nhiễm nhi với chẩn đoán tay chân miệng độ 4/viêm hô hấp trên/sốt xuất huyết.
Tại Khoa Nhiễm nhi, bé có dấu hiệu lơ mơ, sốt cao, run giật, mạch nhẹ, nhịp tim 220 lần/phút. Sau đó, tình hình diễn biến nhanh, không điển hình, bé nhanh chóng được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nhi.
Các bác sĩ đã cho bé thở máy, chống sốc, lọc máu liên tục… Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé được cải thiện, ngưng lọc máu.
Đến ngày 3/7, bé tỉnh, thở đều qua oxy nhưng vẫn còn yếu 1/2 người bên trái. Các bác sĩ tiếp tục cho điều trị kháng sinh, dinh dưỡng và vật lý trị liệu.
Ngày 14/7, bé tỉnh, không sốt, được cai máy thở, bé tự thở tốt, có thể uống được sữa. Đến ngày 18/7, sau hơn 20 ngày điều trị, sức khỏe của bé ổn định, ăn uống tốt, thể trạng được hồi phục và được xuất viện.
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của bệnh tay chân miệng, các bác sĩ Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng khuyến cáo các bậc phụ huynh thấy trẻ có các dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối, khó thở, sốt cao, giật mình, nôn ói nhiều, yếu liệt tay chân, quấy khóc liên tục… cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám ngay.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng tại gia đình như vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; ăn chín uống chín; vệ sinh đồ chơi, vật dụng hằng ngày; vệ sinh chất thải sinh hoạt…