Khai thác bệnh sử ghi nhận: Bệnh nhi P.H. (9 tuổi, nam, trú tại Đắk Lắk) khởi bệnh 2 ngày với sốt nhẹ, than mệt, nôn ói, vã mồ hôi, tay chân lạnh, nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim. Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản, vận mạch, thuốc chống loạn nhịp, đặt máy tạo nhịp, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi lơ mơ, môi tái, chi mát, mạch quay nhẹ khó bắt, nhịp tim không đều. Xét nghiệm men tim Troponin I, CK-MB tăng cao, siêu âm tim giảm phân suất tống máu EF còn 37-38% (bình thường EF 60-80%).
Bệnh nhi được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhi được thở máy, vận mạch, hội chẩn ekip tim mạch đặt lại máy tạo nhịp và chuẩn bị thực hiện ECMO.
Diễn tiến nhịp tim bệnh nhi phức tạp, lúc chậm, lúc nhanh, được sử dụng thêm thuốc chống loạn nhịp, điều chỉnh điện giải toan kiềm, điều trị hỗ trợ cơ quan gan, thận.
Kết quả sau 10 ngày điều trị, tình trạng huyết động bệnh nhi ổn định, nhịp tim trở về nhịp xoang, không cần hỗ trợ của máy tạo nhịp hoặc thuốc chống loạn nhịp, không cần đến ECMO. Bệnh nhi được cai máy thở và được chuyển Khoa Tim mạch điều trị tiếp.
Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý: Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ lớn. Khi thấy trẻ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực… nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.