Loãng xương (Osteoporosis) là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương dẫn đến tổn thương về độ chắc của xương, từ đó làm tăng nguy cơ gãy xương. Độ chắc của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng (mật độ khoáng chất của xương, khối lượng xương) và chất lượng của xương (thể tích xương, vi cấu trúc của xương, chu chuyển xương).
Phân loại loãng xương
Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát)
Loãng xương nguyên phát thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Đặc điểm: Tăng quá trình hủy xương, giảm quá trình tạo xương.
Nguyên nhân: Các tế bào tạo xương (Osteoblast) bị lão hoá, sự hấp thu calci ở ruột bị hạn chế, sự suy giảm tất yếu các hormone sinh dục (nữ và nam).
Loãng xương sau mãn kinh
Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột oestrogen khi mãn kinh.
Đặc điểm: Tăng quá trình hủy xương, quá trình tạo xương bình thường.
Loãng xương thứ phát
Bệnh loãng xương sẽ trở nên nặng nề hơn, sớm hơn, nhiều biến chứng hơn nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây:
Những người kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu calci, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D…
Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương.
Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp.
Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải calci qua đường thận và giảm hấp thu calci ở đường tiêu hóa.
Người bị mắc một số bệnh như: Thiểu năng các tuyến sinh dục, bệnh nội tiết (cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận bệnh mạn tính đường tiêu hóa làm hạn chế hấp thu calci, vitamin D, protein… ), bệnh suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày , các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Người phải sử dụng một số loại thuốc trong dài hạn như: chống động kinh (Dihydan), thuốc chữa tiểu đường (Insulin), thuốc chống đông (Heparin) và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid.
Triệu chứng của bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Một số triệu chứng lâm sàng có thể nhận biết:
Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.
Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy.
Một số triệu chứng không đặc hiệu như đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.
Gãy xương: Các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
Cách phòng bệnh loãng xương
Cần cung cấp đầy đủ calci, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể.
Duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp dự trữ calci cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gãy xương.
Hạn chế một số thói quen: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê, ít vận động…
Khi bệnh nhân có nguy cơ loãng xương (BMD từ -1,5 đến – 2,4 SD), nhưng lại có nhiều yếu tố nguy cơ: phải dùng corticosteroid để điều trị bệnh nền, tiền sử gia đình có gãy xương do loãng xương, nguy cơ té ngã cao… bisphosphonates có thể được chỉ định để phòng ngừa loãng xương.