Bệnh nhân Đ.V.D. (87 tuổi, trú tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, tai biến mạch máu não, đã bỏ thuốc tiêm tiểu đường 1 tuần nay.
Khoảng 3 ngày nay, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, tiểu tiện không tự chủ, ý thức chậm dần. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, sốt 38,5 độ C, huyết áp 180/90 mmg, đại tiểu tiện không tự chủ; xét nghiệm Glucose 48,16 mmol/l, rối loạn điện giải.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được truyền dịch, bù nước điện giải, kiểm soát đường máu, kiểm soát huyết áp… Sau cấp cứu, bệnh nhân tỉnh táo, tim đều, phổi thô, ít ran nổ.
Theo các bác sĩ, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất ở bệnh đái tháo đường, đe dọa đến tính mạng, thường gặp ở người bị đái tháo đường type 2, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 30- 40%.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, trong đó nhiễm khuẩn chiếm 57,1%, phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết… Các nguyên nhân khác như bệnh nhân không tuân thủ chế độ điều trị bệnh đái tháo đường (dừng hoặc giảm thuốc); Không tuân thủ chế độ ăn của bệnh đái tháo đường; Bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, thường bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu vì không phát hiện được triệu chứng sớm của bệnh…
Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh nhân đái tháo đường cần phải tuân thủ chế độ ăn bệnh lý, dùng thuốc đúng và đủ liều theo sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân cần khám, phát hiện và điều trị các bệnh lý phối hợp như bệnh lý tim mạch, nhiễm trùng…
Khi có dấu hiệu bất thường như rối loạn ý thức (từ lơ mơ đến hôn mê sâu); Dấu hiệu mất nước nặng (da khô, nếp véo da mất chậm), mạch nhanh, huyết áp tụt; Các biểu hiện triệu chứng của các yếu tố khởi phát nhiễm khuẩn, tai biến mạch máu não… Bệnh nhân cần ngay lập tức tới bệnh viện khám và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh những biến chứng nặng và nguy cơ tử vong.