Nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim
BSCKII. Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: Suy tim là việc tim sẽ không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cơ thể, có một hoặc nhiều nguyên nhân xảy ra làm tổn thương hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động của tim, dần dần làm hoạt động bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả, vì vậy tim sẽ cố gắng bù đắp bằng cách tăng sinh hormone của tim, tim đập nhanh hơn, tim giãn rộng ra.
Thời gian đầu, các thay đổi này sẽ giúp quả tim tiếp tục giữ được chức năng bơm máu bình thường. Nhưng không sớm thì muộn, những điều chỉnh đó cũng không bù lại được khả năng bơm máu ngày càng giảm của tim hay chính những thay đổi này lại làm cho chức năng tim bị rối loạn hơn. Cuối cùng, cơ tim suy yếu và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như: khó thở, ho khan, mệt mỏi, phù…
Các nguyên nhân gây ra bệnh suy tim gồm: tăng huyết áp; bệnh tim thiếu máu cục bộ (bệnh động mạch vành); các bệnh về van tim, bệnh lý cơ tim, bệnh tim bẩm sinh; những người lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các thuốc gây nghiện; một số thuốc điều trị ung thư…
Có thể chữa khỏi nếu phát hiện, điều trị sớm
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Bích Vân, để xác định người bệnh có suy tim hay không, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử gia đình, triệu chứng và tình trạng sức khỏe nói chung kết hợp với các phương pháp cận lâm sàng như: xét nghiệm máu tổng quát, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang lồng ngực, điện tâm đồ, đo nồng độ oxy trong máu, siêu âm tim (đây là cách dễ dàng nhất để đánh giá chức năng của tim, bệnh lý van tim, tim bẩm sinh…). Một số phương pháp khác để đánh giá hoạt động của tim như: chụp SPECT xạ hình tưới máu cơ tim, chụp MRI tim, chụp MSCT động mạch vành; chụp động mạch vành qua da nếu nghi ngờ bệnh mạch vành.
Để điều trị suy tim, bác sĩ sẽ tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân để có những phác đồ điều trị khác nhau, có thể kết hợp các loại thuốc hoặc phẫu thuật. Để việc điều trị suy tim mang lại hiệu quả, người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp như: giảm lượng muối trong chế độ ăn dưới 6g/ngày, tránh các thực phẩm ngâm muối như: dưa, cà, thịt muối, cá kho, thực phẩm chế biến sẵn. Cai rượu tuyệt đối, không hút thuốc lá. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như: rau xanh, ngũ cốc, trái cây tươi… Đi bộ nhẹ phù hợp với sức khỏe của mình, khiêng vác đồ vật dưới 5kg, tránh làm việc nặng nhọc. Cần đo mạch, huyết áp, cân nặng hằng ngày. Nên tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu. Khi xuất hiện các dấu hiệu khó thở liên tục, nhịp tim nhanh tăng, đau ngực nặng thì cần tái khám ngay.
Cũng theo BSCKII. Nguyễn Thị Bích Vân, bệnh suy tim có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Với những người đã mắc, cần tuân thủ điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ vì việc dùng thuốc sẽ giảm triệu chứng, giảm số lần nhập viện, tăng khả năng gắng sức, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Với những người chưa mắc bệnh suy tim cũng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, tăng cường luyện tập thể thao, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm các bệnh lý bất thường, trong đó có suy tim để được điều trị kịp thời.