Bệnh nhân (nữ 31 tuổi, trú tại Hưng Yên) có những triệu chứng đầu tiên của bệnh vảy nến hơn 10 năm về trước với vài nốt dát đỏ có ít vảy ở tay khi đang là sinh viên đại học.
Ở thời điểm đó, bệnh nhân không biết và cũng không nghĩ mình bị vảy nến, tự mua thuốc về bôi thấy có đỡ, thỉnh thoảng có bị lại nhưng bệnh nhân chỉ cho đó là những phản ứng da dị ứng đơn thuần.
Nam 2015, sau khi tốt nghiệp đại học, bệnh nhân lập gia đình và theo chồng vào miền Nam công tác và sinh sống. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình một thời gian, các nốt tổn thương xuất hiện nhiều hơn, lan tỏa hơn. Lúc đó, bệnh nhân đã đi khám và được chẩn đoán vảy nến.
Vì là một bệnh lý mạn tính nên việc điều trị mang tính kiểm soát bệnh lâu dài, không thể khỏi hẳn được. Bệnh nhân bị chồng và gia đình chồng đổ lỗi giấu bệnh, chủ tâm lừa họ. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề hơn, mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt hơn. Người chồng liên tục chì chiết, gia đình chồng không thông cảm, bệnh nhân trở nên trầm lặng và quyết định bỏ về Hà Nội và đăng ký một việc học khác.
Bệnh nhân không dám chia sẻ chuyện với gia đình mình, chỉ lấy lý do đi học để về Hà Nội. Các triệu chứng trầm cảm của bệnh nhân dần trở nên rõ ràng hơn và người nhà biết được tình trạng này khi lên thăm.
Bệnh nhân chỉ thích nằm một mình, ngại giao tiếp, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Cũng chính vì tình trạng tâm lý này, bệnh nhân cũng ngại đi khám và không tuân thủ điều trị nên tình trạng vảy nến ngày càng nặng hơn. Thêm vào đó, người chồng cũng không hề liên lạc quan tâm hỏi thăm. Vấn đề tâm lý theo đó ngày càng nặng nề.
Dù đã được người nhà đưa đi khám và điều trị nhưng sự cải thiện vẫn hạn chế. Sau khi vào viện, bên cạnh việc điều trị bệnh vảy nến, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán là tâm thần phân liệt – một trong những tình trạng nặng và khó kiểm soát.
Bệnh vảy nến là một bệnh lý lành tính, khá phổ biến, không lây nhưng mạn tính. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới người bệnh thường trầm trọng hơn các bệnh lý mạn tính khác bởi các tổn thương hiện hữu ngay ở ngoài da. Điều này gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Ảnh hưởng này không chỉ bởi tổn thương bệnh mà cả bởi cả sự kỳ thị, thiếu hiểu biết của những người xung quanh.
Do đó, người bệnh vảy nến dễ bị các vấn để như cảm giác xấu hổ, thiếu tự tin, giảm lòng tự trọng, đánh giá giá trị bản thân thấp, đôi khi bị cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày… thậm chí nhiều trường hợp nặng có thể gây các vấn đề trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử. Hơn thế nữa, các vấn đề tâm lý này lại quay trở lại làm nặng hơn tình trạng bệnh vảy nến, làm cho bệnh khó kiểm soát hơn, khiến người bệnh trở nên suy sụp hơn.
Với bệnh vảy nến, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mới có thể đạt sạch tổn thương trên 90% hoặc thậm chí hoàn toàn. Song điều quan trọng không kém đó là sự thấu hiểu, đối xử công bằng, không kỳ thị của xã hội và đặc biệt cần có sự đồng hành với người bệnh của người thân, gia đình.