Theo Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, virus xâm nhập đường hô hấp gây tăng tiết đàm nhớt, bít tắc đường dẫn khí nhỏ ở trẻ, gây hiện tượng khò khè thở khó. Bệnh thường do nhiễm virus hô hấp hợp bào xảy ra vào lúc giao mùa, hoặc vào mùa thời tiết lạnh.
Trẻ em dưới 2 tuổi , nhất là trẻ dưới 6 tháng là đối tượng dễ bị nhất, đây cũng là bệnh lý viêm đường hô hấp dưới nặng nhất ở đối tượng này. Nhiều trường hợp cần phải nhập viện.
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản kéo dài từ 5-7 ngày. Khởi phát như viêm hô hấp trên, ho, sổ mũi, sốt nhẹ… sau đó trẻ có triệu chứng khò khè, thở nhanh nông, bú càng ngày càng kém. Khi nhìn trẻ thở như có vẻ khó khăn, trẻ có triệu chứng co kéo, phập phồng cánh mũi, co kéo các cơ liên sườn ở ngực.
Trẻ thở khó khăn nên trẻ quấy khóc, bỏ bú và đi dần đến thở mệt, da tái và tím. Diễn tiến suy hô hấp nặng nếu không kịp thời điều trị.
Điều trị viêm tiểu phế quản
Tại nhà:
– Cho uống nước thường xuyên và từng ngụm nhỏ.
– Cho trẻ nằm đầu cao khoảng 45 độ.
– Cho trẻ ăn ít và nhiều lần.
– Điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải, sao cho không khí không quá khô và lạnh.
– Cho trẻ uống paracetamol nếu trẻ sốt.
– Chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ.
– Không nên cho trẻ uống thuốc chống ho khi trẻ có nhiều đàm, nên vỗ lưng nhẹ khuyến khích trẻ ho để có thể tống đàm ra.
– Không được có khói thuốc lá trong phòng trẻ.
– Không cho trẻ uống kháng sinh.
Đưa đến bệnh viện ngay khi:
– Trẻ sốt cao, khó hạ.
– Thở nhanh, mệt.
– Khó thở, thở co lõm ngực hoặc phập phồng cánh mũi.
– Da tím tái.
– Trẻ bỏ bú.
– Nôn ói nhiều, không uống được nhiều nước.
Phòng viêm tiểu phế quản
– Cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sanh cho đến 2 tuổi, trẻ sẽ có nhiều kháng thể chống lại bệnh.
– Chú ý dinh dưỡng cho trẻ, nên ăn dặm đúng cách.
– Cho trẻ uống nước nhiều .
– Chủng ngừa đầy đủ.
– Khi trời lạnh nên mặc ấm cho trẻ.
– Tránh xa khói thuốc lá.
– Hạn chế tiếp xúc những người đang bị bệnh hoặc rửa tay và đeo khẩu trang trước khi chăm sóc trẻ.