Tại sao trẻ béo phì?
– Sai lầm trong cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ; cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, ăn quá nhiều thức ăn trong ngày khiến dư thừa calo.
– Trẻ lười vận động, ham thích trò chơi điện tử, xem tivi.
– Do di truyền: trẻ nhỏ có bố mẹ mắc bệnh béo phì sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4-8 lần so với những đứa trẻ khác.
– Do ảnh hưởng của tâm lí: những trẻ bị trầm cảm, căng thẳng cũng có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn các trẻ bình thường.
– Trẻ bị béo phì do mắc một số bệnh bẩm sinh và hiếm gặp.
Phòng và điều trị béo phì?
– Hạn chế cho trẻ ăn vặt và các đồ ăn nhanh, đặc biệt là đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ (mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, gà rán…). Thay vào đó, hãy cho các bé ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống nước lọc, không uống các loại nước ngọt có gas, ăn quả tươi tốt hơn uống nước hoa quả.
– Không nên để trẻ quá đói, sẽ khiến trẻ ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau. Có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn một số lượng vừa phải.
– Hãy khuyến khích trẻ vận động bằng cách cùng trẻ tập thể dục thể thao (bơi, đi bộ, đạp xe…) ≥ 60 phút/ngày, đều đặn, ngày nào cũng tập. Rủ trẻ cùng giúp cha mẹ làm việc nhà và chơi với con thay vì để trẻ chỉ ngồi một chỗ chơi điện tử hay xem tivi, điều này giúp trẻ vui vẻ khỏe mạnh hơn, giảm các chứng bệnh trầm cảm, căng thẳng, lười vận động.
Điều cần thực hiện khi con bạn thừa cân – béo phì:
– Dùng nước lọc như một số đồ uống chính.
– Ăn sáng mỗi ngày.
– Cho trẻ ăn cùng bữa ăn với gia đình và khi ăn không xem tivi.
– Hạn chế ăn vặt – thay vào đó là đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
– Dành ≥ 60 phút/ngày hoạt động thể lực, thể dục thể thao đều đặn.
– Giới hạn < 2 giờ/ ngày cho tất cả các hoạt động giải trí tĩnh (xem tivi, chơi game, ipad, máy tính…).