Bướu nhân tuyến giáp (hay còn gọi là u tuyến giáp) là bệnh lý tương đối phổ biến. Người bệnh có thể sờ thấy khối u vùng cổ hoặc phát hiện tình cờ qua thăm khám, siêu âm.
Thông thường, những khối u tuyến giáp lành tính không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Rất nhiều người bệnh mắc u tuyến giáp lành tính mà không hề có biểu hiện bất thường.
Một số trường hợp, khối u phát triển nhanh về kích thước có thể gây ra tình trạng khó nuốt và khó thở do khối u chèn vào thực quản hoặc khí quản.
Bên cạnh đó, có những khối u phát triển mạnh và sản sinh ra nhiều hormone tuyến giáp (trong bệnh lý cường giáp) làm người bệnh sút cân không rõ nguyên nhân, tình trạng rối loạn nhịp tim, ra mồ hôi nhiều hơn bình thường…
Bướu nhân tuyến giáp khi nào cần phẫu thuật?
Khi phát hiện ra bướu tuyến giáp, người bệnh cần đến khám chuyên khoa Nội tiết để được bác sĩ thăm khám bằng cách xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp, chọc hút kim nhỏ tuyến giáp. Từ đó đưa ra lời khuyên hợp lý nhất về cách điều trị bướu tuyến giáp đối với từng người bệnh.
Nếu kích thước khối u nhỏ, lành tính, không ảnh hường đến khả năng ăn, nuốt, nói thì thường người bệnh không cần phẫu thuật. Người bệnh cần đi khám định kì hàng năm để thăm khám phát hiện sớm những bất thường của khối u.
Nếu kích thước khối u lớn gây tình trạng khó nuốt, khó thở, khàn tiếng, tùy thuộc vào vị trí, tính chất khối u, tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn bằng cách chọc hút tuyến giáp, tiêm cồn tuyệt đối hoặc đốt sóng cao tần…
Một số chỉ định phẫu thuật bướu nhân tuyến giáp (Theo hội tuyến giáp Châu Âu) như sau:
– U tuyến giáp có triệu chứng như chèn ép, biến dạng cổ.
– U tuyến giáp có tăng nồng độ Calcitonin máu (Nghi ngờ ung thư tuyến giáp thể tủy – loại ung thư rất ác tính).
– U tuyến giáp có kết quả tế bào học là ung thư hoặc nghi ngờ ung thư (thuộc Bethesda nhóm V và VI).
Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.