Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, khi bị chó cắn, đặc biệt là ở những vùng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, việc tiêm vắc xin phòng dại thôi là chưa đủ mà cần phải kết hợp với huyết thanh kháng dại để tăng hiệu quả bảo vệ.
Mới đây, tại Hà Tĩnh, một bé trai 8 tuổi không may bị chó nhà nuôi cắn vào mặt. Một ngày sau khi bị cắn, gia đình đã đưa bé đi tiêm ba mũi vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, bé xuất hiện các triệu chứng sốt, co giật, biểu hiện điển hình của bệnh dại.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã trong tình trạng tổn thương não nặng, phải thở máy và lọc máu. Xét nghiệm xác nhận bé mắc bệnh dại và dù được điều trị tích cực, bé đã không qua khỏi.
Các chuyên gia nhận định, trong trường hợp này, việc chỉ tiêm vắc xin là chưa đủ. Do vết cắn nằm ở vùng mặt – nơi có hệ thần kinh dày đặc và gần não bộ, virus dại có thể di chuyển rất nhanh. Nếu không có huyết thanh kháng dại tiêm ngay tại vết thương để trung hòa virus, nguy cơ phát bệnh là rất cao.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh:
“Bệnh nhân bị chó cắn, đặc biệt ở vùng đầu, mặt, cổ – những khu vực gần hệ thần kinh trung ương, thì không chỉ đơn giản là tiêm vắc xin mà bắt buộc phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại xung quanh vết thương để tiêu diệt virus ngay từ đầu.”
Bác sĩ cũng cảnh báo rằng với trẻ em khi bị chó tấn công, vết thương thường nằm ở vị trí nguy hiểm ngoài các biện pháp điều trị như phẫu thuật, tạo hình, phòng tránh nhiễm trùng, nếu con chó có biểu hiện bất thường hoặc vết thương nghiêm trọng, dù nhỏ hay lớn, việc sử dụng huyết thanh kháng dại là vô cùng quan trọng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết: “Để phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, chúng ta có hai biện pháp: tiêm vắc xin để tạo miễn dịch và tiêm huyết thanh để trung hòa virus ngay khi nó vừa xâm nhập vào cơ thể. Dù con vật chưa có dấu hiệu bệnh dại nhưng nếu vết cắn sâu, chảy máu nhiều, nằm ở các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ hoặc có nhiều vết cắn trên cơ thể, thì cần phải tiêm huyết thanh càng sớm càng tốt, sau đó tuân thủ liệu trình tiêm vắc xin.”
Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm, không có thuốc chữa khi đã phát bệnh, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu được xử lý đúng cách. Với bất kỳ trường hợp nào bị chó cắn, dù vết thương lớn hay nhỏ, việc tiêm đủ các liều vắc xin kết hợp với huyết thanh kháng dại kịp thời sẽ giúp bảo vệ an toàn. Vắc xin phòng dại an toàn và không gây hại, vì vậy, không nên chần chừ hay chủ quan trước bất kỳ vết thương nào do động vật cắn.