Cận thị giả để lâu sẽ thành cận thị thật
BSCKI. Nguyễn Văn Tiến, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Giả cận thị khá phổ biến, đây là hiện tượng rối loạn sự điều tiết. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do mệt mỏi thị giác hay khó chịu nhất thời của mắt. Những hoạt động như ngồi máy tính, đọc sách, học bài… là lúc khiến mắt nhìn ở cự ly gần, cơ thể mi co lại, để tăng độ cong của thủy tinh thể giúp hình ảnh rõ nét. Khả năng điều tiết ở mắt trẻ rất mạnh, có thể nhìn một vật gần 9cm nên trẻ có thể nhìn gần trong thời gian rất dài mà mắt không bị mỏi. Nhưng nếu bị co lâu ngày, cơ thể mi trở thành “tật”, đến khi nhìn xa sẽ không dãn ra được do mất tác dụng đàn hồi, dẫn đến hiện tượng nhìn xa không rõ.
Triệu chứng cận thị giả cũng giống cận thị thật như mắt mỏi, nhìn xa không thấy, nhức đầu, chảy nước mắt và khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần. Những trường hợp này đến khám tại các cửa hàng mắt kính thì rất khó để phân biệt cận thị giả hay thật. Vì vậy phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ khi đưa trẻ đi khám mắt, tốt nhất là đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt.
Bác sĩ Tiến cũng cảnh báo: Giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài có thể dẫn đến suy nhược và trở thành cận thị thật. Cùng với việc dùng kính không đúng cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người mắc cận thị giả dẫn đến cận thị thật. Đối với bệnh cận thị giả không nhất thiết phải đeo kính và dùng thuốc, chỉ cần có một chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp là bệnh có thể tự khỏi, đối với những trường hợp nặng hơn bác sĩ sẽ cho những biện pháp chữa trị phù hợp.
Các biện pháp bảo vệ đôi mắt của trẻ
Để hạn chế phần nào những tác hại không mong muốn do trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho học tập, bác sĩ Tiến chia sẻ một số kinh nghiệm giúp bảo vệ đôi mắt cho trẻ trong quá trình học trực tuyến, cụ thể:
Phòng học: Nơi học của trẻ cần có ánh sáng đầy đủ, trẻ nên ngồi đối mặt với cửa sổ thay vì một bức tường. Tránh để màn hình máy tính đối diện với các nguồn sáng mạnh gây lóa màn hình.
Điều chỉnh độ sáng trên màn hình máy tính ở mức độ vừa phải.
Về khoảng cách và thiết bị: Nếu có lựa chọn, tốt hơn là để con bạn sử dụng máy tính với màn hình từ 15 inch trở lên. Đặt máy tính ở vị trí phù hợp với mắt, góc nhìn màn hình nên chếch góc 15 độ, khoảng cách trung bình từ mắt tới màn hình là 50 – 60cm. Có một công thức đơn giản đó là lấy 1,5 chiều dài đường chéo của màn hình làm khoảng cách từ mắt đến màn hình.
Trường hợp không có máy tính, điện thoại thông minh sẽ là sự lựa chọn cuối cùng và cha mẹ nên ngồi cạnh để hỗ trợ. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý bàn ghế và tư thế ngồi học của con, đừng để trẻ ngồi quá thấp hoặc quá cao so với bàn làm việc sẽ gây mỏi mắt.
Nháy mắt thường xuyên: Nháy mắt là cơ chế tự bảo vệ và tạo độ ẩm của mắt. Khi tập trung trước màn hình, trẻ thường có xu hướng quên nháy mắt dẫn đến việc khô mắt tạm thời và gây ra các chứng nhức mỏi, đỏ, ngứa… Điều này cũng khiến trẻ hay cho tay lên dụi mắt, việc dụi mắt thường xuyên dễ gây xước giác mạc hoặc các chứng viêm mắt (do vi khuẩn ở tay bám vào).
Khuyến khích trẻ thực hiện theo quy luật 20-20-20: Bố mẹ hướng dẫn các con thực hiện theo quy luật 20-20-20, tức là ngồi tối thiếu 20 phút phải có khoảng tối thiểu 20 giây nhìn xa 20 feet ( khoảng 6 mét). Quy tắc này giúp mắt được thả lỏng, hệ thần kinh được thư giãn, hạn chế tình trạng nhức mỏi, ngăn mắt không bị tổn thương.
Đối với trẻ lớn hơn phải học trong thời gian dài thì cứ khoảng cách tập trung học online trên máy tính 45 phút thì phải nghỉ ngơi để mắt được điều hòa tốt.
Bổ sung các thực phẩm cần thiết: Để đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt và một đôi mắt khỏe phụ huynh cần chú ý đến các loại vitamin A, vitamin C, vitamin E, Lutein, và axit béo Omega có trong cà rốt, củ cải, xoài, đu đủ, trái cây có múi, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá hồi… Tốt nhất nên bổ sung những vitamin này cho trẻ ở dạng tự nhiên hơn là phải cung cấp, bổ sung theo dạng thực phẩm chức năng.