Theo các bác sĩ, bệnh Kawasaki được một bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku phát hiện lần đầu vào năm 1961, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tỷ lệ bệnh ở trẻ trai cao hơn so với trẻ gái. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa xác định được rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng ngừa. Giới chuyên môn cho rằng bệnh có thể liên quan đến nhiễm vi trùng hoặc siêu vi trùng, hoặc liên quan đến phản ứng miễn dịch.
BSCKI. Nguyễn Thị Sơn, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết: Bệnh Kawasaki không phải bệnh mới, tỷ lệ trẻ bị bệnh trong cộng đồng khá cao, bệnh có thể khởi đầu bằng biểu hiện như nhiễm vi trùng hoặc virus thông thường.
Khi mắc Kawasaki điển hình, trẻ có biểu hiện như sốt cao kéo dài hơn 5 ngày, một số trường hợp khác có thể kéo dài 3-4 tuần; viêm kết mạc (mắt sung huyết đỏ, thường không chảy dịch, gỉ), môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai, phát ban đỏ toàn thân, hạch góc hàm hoặc dưới cằm… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng tim mạch nguy hiểm đến tính mạng của trẻ như phình giãn động mạch vành tim làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến hậu quả nhồi máu cơ tim; hoặc hẹp tắc động mạch vành, thiếu máu cơ tim, suy vành mạn tính.
Hiện nay, bệnh Kawasaki hoàn toàn có thể điều trị được nếu trẻ được đưa đến bệnh viện sớm, phát hiện kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ, ngăn ngừa biến chứng trong vòng 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát.
Bác sĩ Sơn lưu ý các bậc phụ huynh: Cần theo dõi khi con bị sốt và có các triệu chứng như trên. Cần đưa trẻ đến bệnh viện thay vì chủ quan chăm sóc tại nhà nếu trẻ bị sốt 2 – 3 ngày không khỏi. Không nên ngại ngần dịch bệnh mà bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị bệnh. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như Kawasaki, giúp điều trị hiệu quả và tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Khi trẻ đã mắc bệnh Kawasaki thì cần phải được dùng thuốc và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.