Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch bởi chế độ ăn không thích hợp gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy thường) hoặc toàn nước có lẫn máu và bệnh diễn ra nhiều ngày khoảng từ 5 – 7 ngày (tiêu chảy cấp).
Nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường do virus, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng gây ra. Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần. Tiêu chảy cấp thường có những biểu hiện điển hình như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng và dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong.
Tiêu chảy ở trẻ em có 2 dạng: tiêu chảy cấp tính xảy ra đột ngột và tiêu chảy mãn tính kéo dài nhiều ngày do hấp thu kém hay suy tụy tạng hoặc do chức năng ruột non bị biến đổi. Tình trạng nguy hiểm cho bé bị tiêu chảy là kiệt nước. Bé càng đi nhiều lần (4 đến 10 lần/ngày) thì lượng nước sinh lý trong cơ thể mất đi càng nhiều kèm theo những dấu hiệu như sút cân, tiểu ít, miệng khô, mắt lõm, da không còn căng và kém đàn hồi, ngủ không yên, cáu gắt.
Tiêu chảy cấp thường lây truyền qua đường phân – miệng, thông qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Một số thói quen tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền tác nhân gây bệnh như: trẻ bú bình không hợp vệ sinh; không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn cho trẻ; thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh; xử lý phân không hợp vệ sinh…
Chia sẻ một số biện pháp xử trí khi trẻ bị tiêu chảy cấp, bác sĩ Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Khi trẻ có các dấu hiệu nhẹ của bệnh tiêu chảy cấp cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc các dung dịch bù nước thông dụng như ORS (oresol) để bù lại lượng nước đã mất trong cơ thể, đặc biệt tránh dùng thuốc tiêu chảy vì chúng không cần thiết và không an toàn cho trẻ. Đối với trẻ còn đang bú sữa mẹ cần tiếp tục cho bé bú, tuy nhiên, trong chế độ ăn uống của người mẹ nên cẩn thận với những thực phẩm có tính nhuận tràng khiến bé khó dứt tiêu chảy. Cho bé ăn những thức ăn giàu đạm, nấu chín và nghiền nhuyễn như thịt, cá, đậu, lòng đỏ trứng, không nên ăn thức ăn có mỡ hay xào nấu với mỡ. Khi phát hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hơn như li bì, mệt lả, mắt rất trũng và khô, uống kém hoặc không thể bú được, sốt cao, đại tiện ra máu… cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.”
Hiện nay, chưa có biện pháp mang tính triệt để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em nhưng có nhiều cách giúp làm giảm bớt tần suất tiêu chảy ở trẻ như cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống, thức ăn đã để quá 6 giờ hoặc qua đêm. Cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng. Sử dụng thực phẩm và nguồn nước sạch để chế biến thức ăn cho trẻ… Bên cạnh đó, tiêm chủng đầy đủ là biện pháp hữu hiệu giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.