Các triệu chứng của bệnh viêm cơ tim dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lí đường hô hấp khác như cúm hay các bệnh lí tim mạch khác hoặc diễn biến âm thầm đến khi phát hiện ra bệnh đã đến giai đoạn nặng đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Đặc biệt thể viêm cơ tim tối cấp có thể khiến suy tuần hoàn, sốc tụt huyết áp không hồi phục, rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ngừng tim, tử vong nếu không được điều trị tích cực kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Viêm cơ tim do nhiễm trùng
Virus: là nguyên nhân thường gặp nhất nhưng thường không chẩn đoán xác định được loại virus. Các loại virus phổ biến gây viêm cơ tim là: Coxsackie B, Adenovirus, virus viêm gan B, C… gần đây có thêm virus SARs-CoV-2.
Vi khuẩn: tụ cầu, liên cầu, bạch hầu…
Nấm: Aspergillus, Candida…
Kí sinh trùng: Toxoplasma, Trypanosoma cruzi…
Viêm cơ tim không do nhiễm trùng
Các loại thuốc: nhóm anthracycline, cocain, CO.
Các bệnh lý: lupus, viêm mạch tế bào khổng lồ, Takayasu…
Các triệu chứng của viêm cơ tim
Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến nặng. Có người bệnh triệu chứng bệnh rất mơ hồ, chồng lấn triệu chứng bệnh lý của nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn trong chẩn đoán và dễ bỏ lọt. Có người bệnh khởi phát bệnh đã rất nặng, thậm chí vào viện trong tình trạng nguy kịch.
Sốt cao 39-40 độ C.
Dấu hiệu cảm cúm: đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau mỏi người.
Đau ngực: triệu chứng đau ngực thường rất đa dạng, đau tức, khó chịu vùng ngực hoặc đau bóp nghẹt, vã mồ hôi.
Khó thở (tùy thuộc mức độ suy tim).
Các rối loạn nhịp: bloc nhĩ-thất, ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất, rung thất.
Huyết áp tụt.
Chân tay lạnh, nổi vân tím.
Tiểu ít.
Phù phổi cấp, suy hô hấp cấp.
Do bệnh viêm cơ tim triệu chứng đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý hô hấp và tim mạch khác, nên ngoài thăm khám lâm sàng cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh.
– Công thức máu đánh giá số lượng bạch cầu.
– Định lượng các chỉ số viêm: CRP, Procalcitonin.
– Định lượng marker đánh giá sự hoại tử cơ tim: CK-MB, Troponin I hoặc T tăng cao.
– Điện tâm đồ: đánh giá biến đổi bệnh lý của các sóng điện tim, các rối loạn nhịp tim (bloc nhĩ – thất, rối loạn nhịp thất…).
– Siêu âm tim: Thường thì các buồng tim giãn, giảm vận động thành lan toả, chức năng co bóp buồng tim (EF) giảm, có thể có tràn dịch màng ngoài tim.
– Chụp động mạch vành qua da (DSA): không thấy có tổn thương đáng kể của hệ động mạch vành. Thường được sử dụng để chẩn đoán phân biệt với nhồi máu cơ tim cấp.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) cơ tim: là phương pháp có giá trị cao trong đánh giá tổn thương cơ tim do viêm: Tăng tín hiệu T2 tronng pha phục hồi ngược, đọng thuốc đối quang sau tiêm gadolinium-DTPA.
– Sinh thiết cơ tim: là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán xác định viêm cơ tim, điển hình bởi sự thâm nhiễm các yếu tố viêm vào cơ tim: bạch cầu lympho, bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ái toan, tế bào khổng lồ, u hạt hoặc hỗn hợp các yếu tố viêm.
Điều trị viêm cơ tim
Điều trị triệu chứng: điều trị triệu chứng của suy tim và rối loạn nhịp.
Điều trị suy tim bằng các thuốc lợi tiểu, nitrates, ức chế men chuyển.
Điều trị các rối loạn nhịp bằng thuốc. Có thể phải đặt các dụng cụ hỗ trợ cho tim (vd: máy tạo nhịp tạm thời)
Trường hợp viêm cơ tim có sốc tim nặng khó hồi phục cần điều trị thuốc vận mạch nâng huyết áp, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO)
Điều trị nguyên nhân:
Viêm cơ tim nhiễm trùng thường được điều trị bằng các phác đồ hỗ trợ nhắm tới tình trạng suy tim và các rối loạn nhịp đi kèm. Liệu pháp kháng virus không được chứng minh là hữu ích trong việc điều trị hầu hết các nguyên nhân do virus gây ra, nhưng nirmatrelvir và ritonavir có thể giúp điều trị viêm cơ tim do nhiễm SARS-CoV2 và oseltamivir có thể giúp điều trị viêm cơ tim do cúm. Corticosteroid cũng có thể có tác dụng trong điều trị viêm cơ tim do nhiễm SARS-CoV2. Kháng sinh có thể được dùng để điều trị các tác nhân vi khuẩn trong giai đoạn nhiễm khuẩn cấp tính. Nhiễm trùng ký sinh trùng nên được điều trị bằng các loại thuốc chống ký sinh trùng phù hợp.
Viêm cơ tim quá mẫn được điều trị bằng cách ngừng ngay thuốc gây bệnh hoặc cardiotoxin và đối với viêm cơ tim quá mẫn, điều trị bằng corticosteroid. Người bệnh bị viêm cơ tim tế bào khổng lồ có tỷ lệ sống sót tăng lên đáng kể khi điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, thường là corticosteroid và cyclosporine. Viêm cơ tim do sarcoidosis có thể điều trị bằng corticosteroid.
Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, nhưng chuyên gia khuyến cáo bạn nên thực hiện vệ sinh tốt, tránh nguy cơ nhiễm trùng cơ tim và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với côn trùng, tiêm vaccine phòng một số bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim như rubella và cúm, viêm gan B… Đặc biệt lưu ý, nếu gặp phải một số biểu hiện như đau ngực và khó thở, hoặc có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.