Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhi T. (19 tháng tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trẻ được mẹ đưa vào viện trong tình trạng lờ đờ, tiếp xúc kém, giảm trương lực cơ, cổ ngửa lên trời, giảm vận động.
Theo lời phụ huynh kể lại, trưa cùng ngày vào viện, bệnh nhi cùng chị gái đã uống nhầm 3 viên thuốc chống loạn thần của ông ngoại với biệt dược là Haloperidol. Sau uống khoảng 1 giờ, bệnh nhi xuất hiện lờ đờ, mệt mỏi, cổ ngửa lên trời, giảm vận động. Sau khi nhận ra tình trạng bất thường của con mình, gia đình đã đưa ngay đến viện.
Tại Khoa Cấp cứu, sau khi nhận định tình trạng bệnh, bệnh nhi nhanh chóng được xử trí truyền dịch, lợi tiểu để thải độc, sử dụng thuốc đối kháng với Haloperidol. Rất may, sau 1 ngày điều trị, các triệu chứng ngộ độc thuốc giảm giần, trẻ tỉnh táo, chơi ngoan, vận động cổ dễ dàng và đã được xuất viện.
Theo TS.BS Trần Văn Cương, Trưởng Khoa Cấp cứu, việc uống quá liều Haloperidol có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, trầm cảm và an thần. Triệu chứng ngoại tháp với rối loạn trương lực cơ cấp, ngồi nằm không yên, rối loạn vận động cũng rất hay xảy ra đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng đa phần lành tính nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, tuy nhiên, nếu để tình trạng ngộ độc quá nặng hoặc để quá lâu không điều trị có thể gây nên nhiều biến chứng nặng nề.
TS.BS Cương cho biết: Uống nhầm thuốc không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là với trẻ em bởi các bé vô cùng tò mò và hiếu động. Trẻ uống nhầm thuốc tránh thai của mẹ, thuốc an thần của ông bà hay các loại biệt dược, thuốc động kinh, thậm chí là thuốc trừ sâu… đó là việc đã từng xảy ra. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, có trường hợp trẻ suýt mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc các bé uống nhầm thuốc tránh thai của mẹ vì tưởng là kẹo còn có thể gây dậy thì sớm cho trẻ.
Ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ rất dễ xảy ra nếu người lớn bất cẩn, đặc biệt là trong giai đoạn nghỉ hè hiện nay, khi nhiều trẻ ở nhà với ông bà, người giúp việc, hoặc ở nhà một mình… Việc trẻ em ăn nhầm thuốc vì tưởng là kẹo thường là do sự vô ý của phụ huynh khi để thuốc ở những nơi mà trẻ có thể tìm thấy được, như ở trên bàn, trong ngăn kéo tủ, trong túi xách…
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên cần được cất giữ, bảo quản tốt chứ không thể để bừa bãi, lẫn lộn với những vật dụng khác trong gia đình. Nơi đặt thuốc phải bảo đảm trẻ em không với tới, hoặc tủ phải có khóa để trẻ không mở được.