Một bé gái 15 tuổi đã có hành vi tự gây thương tích suốt 4 năm qua nhưng gia đình không hề hay biết, chỉ đến khi em uống thuốc ngủ tự tử, gia đình đưa đi cấp cứu, họ mới phát hiện ra những vết sẹo chằng chịt trên cánh tay và đùi con mình.
Sau một tuần điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, dù đã bớt căng thẳng, đau đầu, nhưng em vẫn chưa thể từ bỏ hành vi tự làm đau bản thân.
Em chia sẻ: “Con có cảm giác mẹ con không tin tưởng con, con hay bị nghi ngờ dần dần thì con không thích chia sẻ thật nữa. Con thích bị đau cũng từ khá lâu, bắt đầu từ cấp 1, nhưng lúc đấy con chưa sử dụng những biện pháp mạnh như thế này, chỉ đơn giản là cấu và tự đánh bản thân thôi. Khi mà lên cấp 2 khi bắt đầu là con biết đến kiểu rạch tay như thế này, dùng dao hay sử dụng cả giấy, xứ, những vật nhọn. Ban đầu là để giải tỏa, về sau thì nó giống như là sở thích.”
Bác sĩ Vũ Văn Hoài, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong những cơ chế bệnh sinh tạo ra những chất endorphin giảm đau nội sinh cơ thể tiết ra, và dần dần về sau bạn ấy như bị lệ thuộc vào hành vi để giúp bạn ấy có thể vượt qua căng thẳng.“
Ngày nào tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận những trường hợp tương tự, hầu hết là các em gái tuổi vị thành niên do căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống, học tập, mâu thuẫn gia đình, bạn bè dẫn đến trầm cảm, rồi ứng phó bằng cách tự làm đau bản thân.
Một bé gái 16 tuổi ở Tuyên Quang, thường xuyên cắn móng tay, móng chân đến rớm máu từ lâu, nhưng gia đình chỉ nghĩ đó là thói quen.
Người nhà em chia sẻ: “Nhìn thấy bạn ấy cào vào tay như thế này mình nghĩ nó chỉ là căng thẳng. Nằm viện ở đây với con khoảng hơn tháng mới hiểu ra các bệnh nó nguy hiểm. Trước thì cũng chả bao giờ nghĩ chuyện trầm cảm, cảm thấy mình đã chủ quan một thời gian dài để dẫn con đến như vậy.“
Gia đình này thật sự may mắn vì con đã chủ động cầu cứu đến bố mẹ. Thực tế đã có những trẻ không tìm được sự cầu cứu và đồng cảm của ai, để rồi dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng.