Trong 2 ngày 31/7 và 1/8 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận 11 trẻ bị ngộ độc quả hồng châu, trong đó 1 trẻ đã tử vong, 3 trẻ nguy kịch. Các bệnh nhi độ tuổi từ 3 – 12, vào viện trong tình trạng ngộ độc nặng, gây rối loạn chuyển hóa, lúc mơ, lúc tỉnh, hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác.
Theo người nhà vào dịp hè, các cháu đi cắt cỏ cho gia súc, sau đó rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Sau khi ăn, các cháu đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn.
Trong tháng 7 vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc nấm rừng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu. Ngoài ra, có biểu hiện suy thận, hậu quả của tình trạng suy gan rất nặng nề.
Trước đó ngày 26/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 4 bệnh nhân đến từ xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, bị ngộ độc cấp tính sau khi ăn hoa chuông. Sau khi ăn, các bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, buồn nôn, tiểu tiện không tự chủ, ảo giác, kích thích…
Các vụ ngộ độc do rau, quả từ cây rừng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đáng lưu ý, các gia đình có con đang trong độ tuổi học sinh, trên đường đi học về, đi chăn bò, lấy củi… do trẻ em chưa ý thức được sự nguy hiểm của quả rừng có thể gây ngộ độc chết người mà rất dễ hái ăn ngay.
Những vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do ăn phải một số loại quả rừng như: Quả Hồng Châu; quả Chí Chụa (theo tiếng địa phương), quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ, Nấm rừng, Hoa chuông…
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang khuyến cáo tuyệt đối không nên ăn các loại rau, quả rừng chưa biết rõ nguồn gốc dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc có thể xảy ra.