Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, cách đây gần 2 tháng, bệnh nhi bị điện giật khi đang chơi ngoài sân vườn. Sau khi nắm vào đoạn dây điện hở, bệnh nhi bị giật bắn ra, tay vẫn nắm dây điện nhưng cách đoạn dây hở 10cm. Khoảng 5 phút sau, mẹ bệnh nhi mới phát hiện và đưa đi cấp cứu, lúc đó bàn tay bệnh nhi đã bị bỏng nặng.
Sau cấp cứu và phẫu thuật tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, bệnh nhi bị tổn thương cơ và gân cổ tay và bàn tay, các khớp bàn ngón tay phải, các khớp đốt ngón tay 3, 4 phải đang liền miệng, không gập các khớp. Với mong ước tìm lại vận động bàn tay phải, người nhà đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Thọ điều trị.
Tại đây, bệnh nhi được điều trị kết hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng như: điện châm, thuỷ châm, điều trị bằng các dòng điện xung, máy siêu âm điều trị, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động… Sau 2 đợt điều trị tích cực, bệnh nhi đã cầm nắm được, tuy nhiên các khớp bàn, ngón tay vẫn còn cứng.
Bác sĩ Phạm Thị Như Quỳnh – Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng cho biết: “Trường hợp bệnh nhi bị bỏng điện và may mắn được cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng và bàn, ngón tay được bảo toàn, không phải tháo khớp. Vì bệnh nhi nhỏ tuổi, nên để hợp tác điều trị, chúng tôi đã phối hợp với người nhà dùng nhiều biện pháp để bệnh nhi quên đi sợ hãi, đau đớn và tiếp nhận điều trị. Ngoài ra, bệnh nhi được người nhà đưa vào viện điều trị sớm, nên sau một thời gian ngắn điều trị đã dần phục hồi. Nếu để lâu hiệu quả phục hồi sẽ chậm hơn”.
Để an toàn với trẻ nhỏ, các gia đình phải luôn cảnh giác với các tai nạn về điện. Trẻ con vốn tính tò mò hiếu động, ham thích khám phá những điều mới lạ và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do trẻ chạm tay vào các thiết bị điện, dây điện bị hở trong gia đình. Điện giật có thể gây bỏng hoặc tử vong nên thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ, không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở.