Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.V.T., 38 tuổi, trú tại xã Quảng La, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị rắn lục cắn. Trước khi vào viện 6 ngày, bệnh nhân bị rắn lục cắn vào mắt cá ngoài chân phải.
Khi vào viện, bệnh nhân được các bác sĩ cho làm xét nghiệm, kết quả cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu kèm theo sưng nề, phỏng nước cẳng bàn chân phải. Bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai điều trị dùng huyết thanh kháng nọc rắn theo phác đồ.
Đến ngày 4/7, tình trạng rối loạn đông máu cải thiện, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bãi Cháy điều trị tiếp.
Còn trường hợp bệnh nhân Đ.V.H., 31 tuổi, trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bị rắn (không rõ loài) cắn vào ngón III bàn tay phải.
Sau khi bị rắn cắn, vết thương chảy ít máu, đau tức đã được vệ sinh tại chỗ và vào Bệnh viện Bãi Cháy điều trị theo phác đồ.
Hiện tại, cả 2 bệnh nhân sức khỏe đều ổn định.
Bác sĩ Lê Văn Lượng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc khuyến cáo: Mỗi loại rắn độc có độc tính khác nhau, tùy theo loại rắn mà có biện pháp sơ cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, co cơ… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế.
Đặc biệt là sau khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu đúng cách, nhằm hạn chế tốc độ nọc độc xâm nhập cơ thể. Sau đó, đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế, có đủ điều kiện chữa trị (cấp cứu hô hấp, tim mạch hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc trị) để được xử lý kịp thời.
Để tránh bị rắn cắn, người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần sử dụng ủng, giày cao cổ và quần dài; không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.