Điều đáng báo động là ung thư dạ dày đang ngày càng gia tăng ở người trẻ, với tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm từ 20 – 25%, một con số đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia, stress, áp lực công việc, thói quen ăn uống không lành mạnh chính là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Viêm loét dạ dày mạn tính có thể dẫn đến hậu quả của việc ăn uống thất thường, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm lên men, thực phẩm bảo quản lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ CK1 Cáp Thị Thanh Thủy – Khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết:
“Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân trẻ, chỉ mới 26 – 27 tuổi, nhưng khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Có những trường hợp ban đầu chỉ là polyp rất nhỏ, nhưng do thời gian dài không theo dõi hoặc do cơ địa có bộ gen đặc biệt, chúng nhanh chóng chuyển thành ung thư.”
Ung thư dạ dày là căn bệnh có triệu chứng mơ hồ trong giai đoạn đầu, dễ bị nhầm lẫn với viêm loét dạ dày thông thường. Điều này khiến nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.
Câu chuyện của ông Chiều là một minh chứng điển hình. Gần nửa năm sau khi xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, ợ hơi, nóng rát và mệt mỏi, ông mới quyết định đi nội soi dạ dày và bàng hoàng khi biết mình mắc ung thư dạ dày.
Rất may, bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, nhờ đó ông có thể điều trị kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật, cắt bỏ 2/3 dạ dày và hiện đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Các bác sĩ cảnh báo rằng, nếu viêm loét dạ dày không được điều trị dứt điểm, có đến 40% trường hợp tiến triển thành viêm loét mạn tính, và trong số đó, khoảng 60% bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.