Một bệnh nhân đã từng điều trị khỏi bệnh viêm đường hô hấp tại một bệnh viện, nhưng chỉ sau đó khoảng 2 tháng là bệnh lại tái phát. Ban đầu chỉ là những cơn ho, tuy khó chịu nhưng anh chần chừ còn chưa đi khám. Đến khi bệnh có dấu hiệu nặng hơn, anh không thể trì hoãn.
Bệnh nhân chia sẻ: “Bác sĩ nói là bị viêm phế quản, uống thuốc một thời gian thì nó hết. 2 tháng sau thì nó lại bị tái lại, ho nhiều, sốt, mệt mỏi, cứ đừ người, khạc có máu, nên tôi sợ, tôi mới đi khám.”
Nhiều người vẫn còn rất chủ quan, xem nhẹ khi bệnh viêm đường hô hấp tái phát. Đôi khi họ bỏ qua không đi khám và nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi hay tự ý mua thuốc theo toa cũ để điều trị.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thuý, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: “Các bệnh lý về tai mũi họng có những nguyên nhân phổ biến chung là có những bất thường về cấu trúc, ví dụ như xoang, vẹo vách ngăn, cơ địa viêm mũi xoang dị ứng. Bệnh nhân không tuân thủ điều trị, không đi tái khám, hoặc bệnh nhân thậm chí là tự ý mua thuốc điều trị.”
Bên cạnh đó thì cũng có những nguyên nhân chủ quan do bệnh nhân chỉ được thăm khám đơn giản theo khai báo bệnh thông thường, mà không khám một cách toàn diện nên sẽ không tìm ra được đúng nguyên căn gây bệnh để điều trị.
Bác sĩ Thanh Thuý cho biết thêm: “Ví dụ như bệnh nhân cứ ho hoài, chúng ta cứ chẩn đoán là bệnh nhân bị viêm phế quản, viêm họng. Nhưng khi khám toàn diện thì phát hiện là bệnh nhân bị viêm đa xoang. Thì cái dịch mũi xoang chảy xuống họng, gây viêm họng, tái đi tái lại. Hoặc bệnh nhân có một tình trạng viêm họng trào ngược dạ dày thực quản mà không phát hiện ra, chỉ chữa viêm họng thôi, không chữa tình trạng trào ngược thì bệnh nhân cũng không hết hẳn được.”
Việc nhận biết và xử lý bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng. Vì thế khi bệnh viêm đường hô hấp tái phát nhiều lần thì cần phải đi khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị triệt để, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó cũng cần biết cách biện pháp phòng ngừa và duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.