Thời điểm giao mùa, các bệnh viện nhi ghi nhận lượng trẻ nhập viện vì sốt siêu vi tăng cao. Một bé trai 22 tháng tuổi tại Đồng Nai là trường hợp điển hình khi nhiều lần nhập viện với triệu chứng sốt kéo dài, ho, và sổ mũi. Lần gần đây nhất, bệnh tái phát và diễn biến nặng hơn khiến gia đình vô cùng lo lắng.
Phụ huynh bé cho hay: “Bé sốt kéo dài, ho nhiều với sổ mũi, ói nên đưa đi khám. Lần trước cũng ho, sổ mũi với sốt có đưa bé đi Bệnh viện Đồng Nai khám.”
Theo số liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, trong những tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng có hơn 1.500 trẻ đến khám ngoại trú vì sốt siêu vi. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi có bệnh nền là hai nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất do hệ miễn dịch yếu và sức đề kháng kém.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chia sẻ: “Thông thường, triệu chứng đầu tiên của sốt siêu vi là phải có sốt. Bệnh nhân sẽ sốt từ 1 đến 3 ngày, sốt cao liên tục 39-40 độ. Nếu do siêu vi thông thường, sau 3 ngày bệnh nhân bắt đầu khỏe hơn, bớt sốt, giảm triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Nhưng nếu cứ sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt chỉ giảm tạm thời, cần thận trọng vì có thể xảy ra nhiễm trùng. Nếu không phát hiện kịp thời, nhiễm trùng có thể lan vào máu, lên não và gây viêm màng não.”


Các biện phát để phòng ngừa sốt siêu vi:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
- Bổ sung vitamin và tăng cường đề kháng cho trẻ
- Hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người trong mùa dịch
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chi định của bác sĩ.