Nam bệnh nhân (44 tuổi, trú tại TP Cao Bằng), vào viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu xử trí và theo dõi điều trị. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
BSCKI. Đỗ Tiến Anh, Khoa Cấp cứu cho biết: Hiện nay, chưa có xét nghiệm nào đặc hiệu để xác định bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Các bác sĩ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử và kinh nghiệm chuyên môn.
Có một số bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Khoa Cấp cứu có tình trạng bệnh nguy hiểm. Điều trị ngộ độc cấp thuốc lá điện tử thường theo triệu chứng. Còn liên quan đến ngộ độc mãn tính thì cần sự tư vấn của các chuyên gia bác sĩ tâm thần.
Cũng theo bác sĩ Tiến Anh, thuốc lá điện tử hoạt chất chính là nicotin, đây là chất có thể gây nghiện, gây sảng khoái, kích thích, hưng phấn mức độ nhẹ, nhưng dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc lá điện tử. Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn có các loại hoạt chất khác như chất bảo quản, phụ gia gây mùi thơm. Khi các chất này được đun nóng hóa hơi sẽ phát tán sâu vào cơ thể, đặc biệt là lá phổi, gây ra các bệnh lý về phổi nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm não bộ tổn thương do tiếp xúc với chất kích thích kéo dài, nhất là đối với học sinh, trẻ vị thành niên.
Nhiều loại thuốc lá điện tử được thiết kế tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói với hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Nếu thấy người bệnh sau khi hút thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, ở trạng thái lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm để được cấp cứu và điều trị kịp thời.