Thống kê cho thấy, trên thế giới mỗi năm có đến 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cúm mùa. Ở Việt Nam, theo thống kê hàng năm có khoảng 800.000 – 900.000 người mắc phải căn bệnh này.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), với người khỏe mạnh không có bệnh lý nền thì cúm mùa không quá nguy hiểm, chỉ cần phát hiện sớm và điều trị, nghỉ ngơi hợp lý là sức khỏe có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, với những người mắc các bệnh lý mạn tính tại phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, viêm phế quản mạn tính… thì cúm mùa lại là một kẻ thù đáng sợ. Họ dễ bị mắc bệnh với tỷ lệ nhập viện vì đợt cấp tính và tử vong cao.
Cúm mùa là một trong những tác nhân hàng đầu gây khởi phát các đợt cấp tính ở bệnh nhân COPD, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính… Ví dụ, với người mắc COPD, thống kê cho thấy, trong 50% những đợt cấp do virus thì có đến 25-28% nguyên nhân đến từ virus cúm. Và 1/4 các trường hợp COPD nhập viện là do cúm mùa. Một khi người bệnh phải nhập viện do cúm mùa và tiến triển thành suy hô hấp thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Với người bệnh hen phế quản, khi bị virus cúm mùa tấn công, các cơn hen cấp dễ xuất hiện và khó kiểm soát, đồng thời bệnh hen cũng tiến triển nặng hơn sau khi nhiễm bệnh.
Ngoài tiêm vaccine phòng cúm mùa hàng năm, để sống khỏe hơn, giảm nguy cơ gặp các đợt cấp thì người có các bệnh lý mạn tính tại phổi cũng cần lưu ý:
– Bỏ thuốc lá, thuốc lào (nếu hút), tránh xa khói thuốc.
– Tự bảo vệ bản thân trước bầu không khí ô nhiễm: Hạn chế ra ngoài vào những ngày không khí bị ô nhiễm, dùng các khẩu trang đạt tiêu chuẩn mỗi khi ra ngoài, dùng máy lọc không khí trong nhà, trồng nhiều cây xanh quanh nhà…