Người bệnh N.T.C. (49 tuổi, quê ở Phú Thọ), đang đi trên vỉa hè ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì bị một người say rượu đi xe máy ngược chiều đâm phải. Người bệnh được đồng nghiệp đưa vào viện bằng ô tô riêng, lúc vào viện trong tình trạng nguy kịch, sốc chấn thương…
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp rất nặng, nguy cơ tử vong cao vì tổn thương phức tạp nhiều cơ quan như chấn thương thận, gan, cột sống… Nếu chậm trễ, tính mạng người bệnh sẽ bị đe doạ.
Dưới sự phối hợp nhịp nhàng đa chuyên khoa, các tổn thương được xác định bằng thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, cận lâm sàng tại giường. Người bệnh nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ cấp cứu với chẩn đoán: Sốc đa chấn thương/Vỡ DII tá tràng/Chấn thương gan độ III/Chấn thương thận phải độ V/Chấn thương ngực kín gãy cung xương sườn X, XII, XII phải/Chấn thương cột sống thắt lưng-ngực.
Người bệnh đã được cầm máu, phục hồi tổn thương tá tràng, cắt thận phải và đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau mổ, người bệnh về phòng hồi tỉnh nhưng tình trạng còn nặng, phải dùng thuốc an thần giảm đau, thở máy qua nội khí quản và dùng thuốc vận mạch.
Sau 5 ngày người bệnh được điều trị tích cực theo phác đồ tại phòng hồi sức sau mổ, tình trạng huyết áp, hô hấp dần ổn định, đã ngừng được thuốc vận mạch.
Tuy nhiên từ ngày 6 sau mổ, người bệnh xuất hiện sốt cao liên tục, tụt huyết áp, phải dùng thuốc vận mạch trở lại; suy thận tiến triển, vô niệu, tình trạng hô hấp xấu đi. Các xét nghiệm tìm nguyên nhân của sốt thấy có sốt xuất huyết (NS1+), tiểu cầu 12 G/l và tình trạng nhiễm khuẩn dương tính.
Người bệnh được chẩn đoán: Sốc sốt xuất huyết Dengue (mức độ nặng nhất của sốt xuất huyết, nguy cơ tử vong cao) kèm với nhiễm khuẩn bệnh viện (cấy dịch nội khí quản: vi khuẩn đa kháng).
Nhận định người bệnh đang trong thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết nhưng bị tai nạn, khi tình trạng chưa ổn định hẳn, có thể có nhiễm khuẩn bệnh viện sau mổ… làm tình trạng nặng lên, bệnh chồng bệnh, chồng tổn thương. Người bệnh được chuyển xuống Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực theo hội chẩn toàn viện chủ trì bởi Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và có sự phối hợp liên tục của nhiều chuyên khoa.
Tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, người bệnh trong tình trạng sốc nặng, thoát dịch nặng nề, tụt huyết áp phải dùng thuốc nâng huyết áp liều cao, thiểu niệu, suy thận, phù phổi cấp do thoát dịch, dịch nhiều ổ bụng và khoang màng phổi, tiểu cầu thấp, đông máu rối loạn…
Trong phòng riêng đặc biệt, người bệnh được điều trị sốc do sốt xuất huyết, điều trị kháng sinh, kháng nấm theo phác đồ, kết hợp thở máy hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục hỗ trợ chức năng thận, truyền tiểu cầu hàng ngày, truyền máu kết hợp với phục hồi chức năng, dinh dưỡng tích cực.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nhiều lần trong tình trạng nguy kịch: Suy hô hấp do phù phổi cấp, sốc, rối loạn đông máu, nhiễm nấm máu, suy đa tạng.
Sau 2 tuần, người bệnh thoát sốc, được cắt thuốc vận mạch, tình trạng hô hấp, suy thận cải thiện, được rút ống nội khí quản, tự thở và đi tiểu được, không sốt.
Những ngày sau đó, người bệnh tiếp tục được phục hồi chức năng vận động – hô hấp, dinh dưỡng tích cực, dùng đủ liệu trình kháng sinh và được ra viện sau 1 tháng điều trị.