Gia đình cho biết, khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nôn, không ăn được đã tự dùng thuốc nhưng không đỡ nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng điều trị.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có nội soi tai – mũi – họng. Các bác sĩ phát hiện trong thanh quản bệnh nhân có dị vật là một con đỉa còn sống đang bám vào thanh, khí quản.
ThS.BS Bùi Thị Minh Châu, Phụ trách Khoa Tai mũi họng đã phối hợp cùng kíp Khoa Gây mê hồi sức tiến hành nội soi gây mê. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ gắp ra một con đỉa no máu, dài khoảng 4cm. Ngay sau khi gắp được dị vật ra, bệnh nhân đã hết các triệu chứng ngứa ngáy và khó thở, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Theo bác sĩ Châu, đỉa suối là vật sống có thể di chuyển từ mũi, miệng xuống thanh quản, khí quản của người bệnh trở thành dị vật. Đỉa sống trong đường thở của người bệnh trong thời gian dài và có thể di chuyển lên trên thanh quản hoặc xuống dưới khí phế quản, gây ra các triệu chứng ho theo cơn, khàn tiếng, khạc nhổ ra máu, khó thở. Tại vị trí vật hút bám, gây ra chảy máu kéo dài, khó đông máu nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ cho biết, con đỉa, con vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước bé, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo ở các khe suối để uống, sinh hoạt, đề phòng đỉa, vắt chui vào người. Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.