Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, một hoặc hai ngày sau lây sang mắt kia.
Theo BS.CKI Nguyễn Văn Tiến, Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh đau mắt đỏ thường lây qua tiếp xúc trực tiếp; qua các vật dụng dễ gặp tại nhà hay ngoài cộng đồng như: đồ chơi, tay nắm cửa, bồn rửa tay…; lây qua hồ bơi (trẻ đau mắt bơi sẽ làm nhiễm khuẩn nước và lây bệnh cho trẻ lành khi bé đi bơi); Một đường lây nữa rất dễ thành dịch là lây qua hô hấp gây đau mắt đỏ do virus adeno thuộc chủng type 3, 4 và 7. Ở bệnh này, trẻ thường có kèm viêm đường hô hấp và ho. Khi ho sẽ gây giọt bắn, là vector truyền bệnh cho trẻ lành.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, theo bác sĩ Tiến, việc rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên, đúng cách là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh (đối với người đang có bệnh, việc này sẽ làm chặn đứng vector lây bệnh rất hiệu quả). Trẻ nên được đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc nơi đông người.
Đối với trẻ bị đau mắt đỏ, nên đi khám chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa. Khi trẻ đang bị đau mắt và được cho điều trị tại nhà thì phụ huynh không nên cho trẻ đi đến nơi đông người, đi bơi… việc này giúp tránh lây lan bệnh thành dịch.