Giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh gì?
Máu trong cơ thể con người được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có tiểu cầu. Đây là một trong những tế bào máu có nhiều vai trò, chức năng quan trọng điển hình là chức năng đông cầm máu,…
Giảm tiểu cầu miễn dịch (xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch) là tình trạng bệnh lý trong đó tiểu cầu ngoại vi bị phá hủy ở hệ liên võng nội mô do sự có mặt của một tự kháng thể kháng tiểu cầu. Điều này làm giảm số lượng tiểu cầu lưu thông trong máu, ảnh hưởng đến quá trình đông máu và khiến người bệnh dễ bị bầm tím, chảy máu.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ ai, cả người lớn và trẻ em. Theo nhiều thống kê cho biết, cứ 100.000 trẻ em thì có 2,2 – 5,3 trẻ bị giảm tiểu cầu miễn dịch và cứ 100.000 người lớn thì có 3,3 người mắc bệnh này mỗi năm.
Triệu chứng của giảm tiểu cầu miễn dịch như thế nào?
Trong trường hợp nhẹ, giảm tiểu cầu miễn dịch có thể không biểu hiện thành dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ rệt. Song, nếu số lượng tiểu cầu giảm thấp, người bệnh thường bị bầm tím hoặc chảy máu tái đi tái lại. Một vài triệu chứng điển hình thường gặp là:
– Chấm xuất huyết đỏ trên da, hình dạng như đầu đinh.
– Bầm tím không do va đập.
– Chảy máu nướu răng, trong miệng.
– Chảy máu cam thường xuyên.
– Ở nữ giới gặp tình trạng kinh nguyệt kéo dài, nhiều hơn so với bình thường.
Một số triệu chứng nguy hiểm của giảm tiểu cầu miễn dịch:
– Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
– Xuất huyết đường tiết niệu: người bệnh đi tiểu ra máu…
– Xuất huyết não, màng não: người bệnh thường đau đầu, buồn nôn, nôn… Một số biểu hiện thần kinh khu trú như liệt vận động, đại tiểu tiện không tự chủ…
Chẩn đoán giảm tiểu cầu miễn dịch
Hầu hết các trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch không có triệu chứng nên thường chỉ được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu để chẩn đoán các bệnh lý khác.
Giảm tiểu cầu miễn dịch được xác định khi có giảm tiểu cầu đơn độc, số lượng tiểu cầu ngoại vi <100 G/L và không có nguyên nhân hoặc bệnh lý nào khác gây ra tình trạng giảm tiểu cầu. Như vậy chẩn đoán Giảm tiểu cầu miễn dịch là chẩn đoán loại trừ dựa vào triệu chứng lâm sàng nêu trên và loại trừ các nguyên nhân như sau:
Tiền sử hoặc nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến giảm tiểu cầu:
– Nhiễm HBV, HCV, HIV…
– Rối loạn miễn dịch/tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống…
Tiền sử tiêm vaccine và sử dụng thuốc trong vòng 2 tuần…
Cần phân biệt giảm tiểu cầu miễn dịch với một số bệnh: Giảm tiểu cầu di truyền, giảm sinh tiểu cầu do giảm sinh tiểu cầu (suy tủy, leucemie cấp…), giảm tiểu cầu do tác dụng phụ của hóa trị liệu…
Điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch và khuyến cáo của bác sĩ
Đối với những người bị giảm tiểu cầu miễn dịch nhẹ (số lượng tiểu cầu ≥30 G/L và không có hoặc có triệu chứng nhẹ) có thể chưa cần điều trị ngay mà chỉ cần theo dõi và kiểm tra tiểu cầu thường xuyên.
Trường hợp người bệnh có số lượng tiểu cầu < 30 G/L hoặc có các triệu chứng chảy máu sẽ được điều trị bằng một trong các phương pháp sau:
– Corticosteroid (thuốc điều trị hàng 1): thuốc nhóm corticosteroid như Methyprednisolone hoặc dexamethasone giúp ngăn ngừa chảy máu bằng cách giảm tốc độ phá hủy tiểu cầu. Corticosteroid có thể làm tăng lượng tiểu cầu trong vòng 2-3 tuần.
– Thuốc ức chế miễn dịch : người bệnh không đáp ứng với corticoid sau 3 tuần (TC <50 G/L) hoặc phải duy trì liều > 15mg/ngày thì nên kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch (Azathioprin 50-100mg/ngày, Mycophenolat Mophetil 0.5g-2g/ngày,…)
– Thuốc đồng vận thụ thể thrombopoietin (TPO-RA): hoạt động bằng cách liên kết và kích thích thụ thể TPO trên tế bào tiền thân của tiểu cầu, từ đó giúp tăng sản xuất tiểu cầu mà không gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Eltrombopag và romiplostim là hai thuốc TPO-RA đã được FDA chấp thuận sử dụng cho người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát. Do cơ chế kích thích tăng sản xuất tiểu cầu, TPO-RA thường được sử dụng kéo dài để duy trì số lượng tiểu cầu trong máu ở mức ổn định, từ đó ngăn ngừa chảy máu.
– Kháng thể đơn dòng: Rituximab là một kháng thể đơn dòng chống lại protein CD20 trên tế bào lympho B, làm giảm số lượng của chúng và từ đó giảm số lượng kháng thể chống lại tiểu cầu. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm truyền.
– Phẫu thuật cắt lách: nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc vẫn không thuyên giảm dù đã điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ lách, cơ quan phá hủy tiểu cầu chính trong cơ thể. Việc cắt lách sẽ ngăn chặn quá trình phá hủy tế bào máu và giúp cải thiện số lượng tiểu cầu trong máu.
Nếu bạn thường bị bầm tím hoặc chảy máu kéo dài, không rõ nguyên nhân, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh. Khi được chẩn đoán mắc giảm tiểu cầu miễn dịch, bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý nhằm kiểm soát bệnh, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.