Bệnh nhân chia sẻ: Đêm qua, khi đang nằm ngủ, bỗng nhiên phát hiện tai phải có cảm giác buồn buồn như có con gì đó chui vào. Sau đó, cảm giác trong lỗ tai đau nhức, kèm theo chảy máu trong lỗ tai.
Bệnh nhân đã đến 1 cơ sở y tế gần nhà để thăm khám, nhưng không thể gắp được dị vật ra khỏi tai, nên bệnh nhân đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị.
Tại phòng nội soi Tai Mũi Họng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, các bác sĩ phát hiện các chân của con gián đã bám chặt vào thành tai, sát vào màng nhĩ. Tiên lượng đây là một ca khó, nên kíp nội soi đã phải thật cẩn trọng, rất tỉ mỉ, nhẹ nhàng thực hiện gắp con gián ra khỏi ống tai để không gây ảnh hưởng đến màng nhĩ của bệnh nhân.
Sau khi nội soi gắp dị vật thành công, bệnh nhân đã được vệ sinh tai sạch sẽ trước khi ra về.
Theo các bác sĩ, côn trùng chui vào tai nếu không được gắp bỏ có thể bò sâu vào lỗ tai, gây thủng màng nhĩ hoặc làm nhiễm trùng, viêm tai. Cách tốt nhất hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không cố gắng lấy ra bởi có thể khiến dị vật vào sâu hơn trong lỗ tai, ảnh hưởng tới thính giác của người bệnh.
Để phòng ngừa côn trùng chui vào tai, người dân cần lưu ý:
– Sống sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thoáng mát để hạn chế côn trùng ẩn náu.
– Nên ngủ trên giường, hạn chế ngủ trên đất hay những nơi ẩm thấp, trước khi lên giường cần kiểm tra ga gối xem có côn trùng hay không, nên mắc màn khi đi ngủ để tránh côn trùng bò vào tai, mũi…
– Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, hoặc ăn uống, cần thay quần áo, ga, áo gối thường xuyên để côn trùng không bị dụ tới.
Những cách làm này không loại bỏ hoàn toàn nhưng sẽ giúp hạn chế được phần nào tình trạng côn trùng chui vào tai.
Khi côn trùng chui vào tai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được xử lý sớm và đúng cách với từng loại côn trùng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.