Ngay từ khi con gái còn nhỏ, Chị Giang đã rất chú trọng nói chuyện với con về những vấn đề về giới tính. Những câu chuyện về sức khỏe, tình yêu hay cả những biện pháp bảo vệ bản thân đều được chị khéo léo lồng ghép vào những cuộc nói chuyện thường ngày.
Chị Nguyễn Thu Giang – Giảng viên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho sẻ: “Mình không để dồn tất cả lại, đợi con đến 13 tuổi mới nói một thể, mà đã nói rải rác từ bé là cần tôn trọng cơ thể. Như thế lớn lên (con) mới có quan hệ lành mạnh, bởi vì tất cả các mối quan hệ lành mạnh với mình trước hết nó đến từ sự tôn trọng”.
Đến nay, khi con gái chị đã 16 tuổi, hai mẹ con chị đã có thể thoải mái chia sẻ về các vấn đề mà mọi người vẫn gọi là “chuyện khó nói”. Nhận thức về các vấn đề sức khỏe sinh sản như phòng ngừa HIV, HPV đều được bé nắm rõ và chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Chị Giang chia sẻ thêm: “Với mình không gì quan trọng bằng việc mình đã xây dựng mối quan hệ bình đẳng rất là lâu với con, để lúcđấy cái việc nói thẳng với con nó không gì là sốc cả. Mà nó lại được hiểu là một sự quan tâm”.
Em Trần Ngân Hà – Học sinh, trú tại Hà Nội cho biết: “Em không bao giờ nghĩ đó là những vấn đề mà mình phải ngại ngùng khi nói chuyện với mẹ mình. Đương nhiên là vì mẹ em rất là tự nhiên, từ bé đến lúc em lớn lên, lúc nào mẹ cũng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, nói chuyện về những vấn đề nhỏ mà hồi bé mình trải qua”.
Theo các chuyên gia giáo tâm lý và giáo dục, sự thấu hiểu và đồng hành của cha mẹ giống như chiếc áo giáp bảo vệ, mang đến an toàn về thể chất và tinh thần cho các con, trong cả hiện tại và tương lai.
Nội dung này do Hội Y học Dự phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục. VN-GSL-00563 04012026