Theo các bác sĩ, có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu: Do sự dịch chuyển kali qua màng tế bào, do thiếu cung cấp kali và cuối cùng là do mất kali. Rõ ràng nhất là hạ kali do chế độ ăn ít kali.
Tuy nhiên, thường gặp nhất là hạ kali do mất quá nhiều sức, thường đi kèm với mất nước nặng làm mất kali ra khỏi cơ thể. Điển hình là hậu quả của nôn và tiêu chảy, nhưng cũng có thể xảy ra ở vận động viên, người lao động quá sức bị đổ mồ hôi quá mức.
Một số thuốc cũng có thể thúc đẩy thải trừ kali ra khỏi cơ thể, bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng. Hạ kali rất hay gặp trên thực tế với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh thần kinh, cơ xương khớp…
Điều trị hạ kali máu bao gồm điều trị nguyên nhân và bổ sung kali. Ngoại trừ tình trạng hạ kali máu thoáng qua, các trường hợp còn lại bao gồm việc điều chỉnh lượng kali mất qua đường tiêu hóa và qua thận.
Ở những bệnh nhân có mức hạ kali máu vừa và không có tiền sử bệnh lý tim mạch, chế độ ăn giàu kali thường đáp ứng tốt. Nếu tình trạng hạ kali máu kéo dài thì việc bổ sung thuốc là cần thiết. Việc xét nghiệm kali thường xuyên ở những bệnh nhân dùng thuốc bù kali là vô cùng quan trọng để tránh hiện tượng kali máu tăng quá cao, dẫn đến biến chứng rối loạn nhịp tim có thể gây tử vong.
Để phòng ngừa hạ kali máu, cần tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài. Lao động trong thời tiết nắng nóng cần bù đủ nước điện giải, nghỉ ngơi hợp lý.
Tránh dùng các thảo dược hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng… có thể gây ra hạ kali máu. Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng. Đồng thời, cần có chế độ dự phòng và theo dõi kali khi dùng những thuốc này.
Bù đủ lượng kali mất đi hàng ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hoặc tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.