Một doanh nghiệp đã xây dựng thực đơn bữa trưa dựa trên khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam năm 2016 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Thực đơn bao gồm rau xanh, trái cây, và chất đạm được cân đối khá đầy đủ. Tuy nhiên, những món rau xào ít khi được lựa chọn.
“Mỗi năm mình khám sức khỏe tình kỳ, tỷ lệ gan nhiễm mỡ của công ty có xu hướng tăng lên, cho nên là mình cố gắng giảm xuống. Nhưng thật sự là chỉ thích chiên, xào, chứ không thích hấp, luộc đâu.”
Tuy nhiên, BS CKII Vũ Quỳnh Hoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc loại bỏ hoàn toàn dầu mỡ trong chế biến chưa hẳn là đúng. “Cách chế biến luộc, hấp thì là tốt hơn so với chiên, xào. Hạn chế dầu mỡ thì cũng chưa phải là đúng hoàn toàn. Tại vì cái lipid cũng là một chất dinh dưỡng rất là cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em. Còn người lao động của mình, người trưởng thành thì trung bình là mình cần 20-25% năng lượng trong khẩu phần. Mọi người sẽ có ý là lipid là xấu và không sử dụng như thế là sai. Lipid lúc nào cũng phải có trong khẩu phần.”
Vai trò của chất béo đối với cơ thể:
- Cung cấp năng lượng cao
- Thành phần chính của màng tế bào
- Hấp thu các vitamin tan trong dầu
- Bảo vệ các cơ quan nội tạng
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, ngoài việc căn cứ vào độ tuổi, trạng thái cơ thể, còn phải chú ý đến cân đối các loại chất béo có trong động vật, thực vật. Ví dụ, 3 nhóm đối tượng cần tiêu thụ nhiều chất béo hơn là trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Ngay cả trẻ béo phì cũng vẫn cần bổ sung chất béo ở mức bằng một nửa nhu cầu của lứa tuổi.
Chất béo, khi sử dụng đúng cách và liều lượng, vẫn là một phần quan trọng của chế độ dinh dưỡng, góp phần duy trì sức khỏe toàn diện cho cơ thể.