Các em nhỏ không ngừng khóc trong bệnh viện. Bàn tay lóng ngóng cầm con vịt đồ chơi màu vàng, người cha kéo con vào lòng và khẽ vuốt mái tóc lưa thưa của cô bé. Đã gần 3 tuổi rồi mà Máy chỉ nặng có 7kg, chỉ gần bằng một nửa cân nặng bình thường của các bạn nhỏ khỏe mạnh cùng tuổi.
“Con bé cứ nôn thốc nôn tháo mà không hề hạ sốt. Tôi rất sợ mất con nên nhờ hàng xóm chở xe máy đến bệnh viện,” anh Dủa, bố của Máy cho biết.
Các em nhỏ có tình trạng bệnh giống như Máy cần được hỗ trợ ngay để ngăn chặn các nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Trước bối cảnh đó, UNICEF Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nhằm đẩy mạnh hoạt động phát hiện và điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng nhằm đảm bảo các em được điều trị sớm và khỏi tại Việt Nam.
Phát hiện và điều trị muộn
Đây không phải là lần đầu tiên Máy được đưa đến bệnh viện huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, nơi UNICEF hỗ trợ tăng cường chương trình dinh dưỡng ở cấp xã. Một lần nữa tính mạng của em gặp nguy hiểm vì bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng1.
“Cha mẹ đưa cháu đến viện khi tình trạng đã quá nghiêm trọng. Cháu bị suy dinh dưỡng nặng nên không còn cảm giác thèm ăn và hệ tiêu hóa cũng bị suy giảm,” bác sĩ Vàng Thị Trang, Phó trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết.
Nhà ở cách bệnh viện 35 km, gia đình em là người dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên. Với hầu hết các hộ dân tộc thiểu số nằm rải rác trên địa hình đồi núi bị chia cắt, Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Nơi đây, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu vẫn là một thách thức lớn đặc biệt đối với trẻ em.
“Chúng tôi cho hai bé ăn bất cứ thứ gì chúng tôi ăn. Nhưng thường thì gia đình không có đủ thức ăn trong nhà,” anh Dủa chia sẻ. Vợ chồng anh còn không đủ tiền mua thức ăn cho chị em Máy chứ đừng nói đến những bữa ăn giàu dinh dưỡng.
Khi cả hai bé gái đều sốt, nôn, đau đầu và ăn uống ít đi, bản năng của anh Dủa là dùng lá cây trên núi để chữa bệnh cho hai em. Thói quen dùng thuốc Nam đã ăn sâu vào văn hóa dân tộc Mông. Khi ấy, anh chỉ hy vọng hai con sẽ đỡ sau khi dùng thuốc.
“Khi trẻ bị suy dinh dưỡng và không được chăm sóc hoặc điều trị triệt để, có thể trở thành bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi,” bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Cán bộ Dinh dưỡng UNICEF tại Việt Nam cho biết.
Tình trạng khẩn cấp âm thầm diễn ra
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, bé Máy vẫn là một trong số hơn 200.000 trẻ em ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng hàng năm. Căn bệnh này đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, nhưng khả năng tiếp cận được dịch vụ khám và điều trị vẫn còn rất hạn chế. Đối với những hộ gia đình khó khăn thường xuyên phải chịu cảnh nghèo tứ phía như gia đình bé Máy, tình trạng khẩn cấp này diễn ra trong thầm lặng và nhức nhối.
“Bé Máy là một trong những trường hợp may mắn được đưa đến bệnh viện. Có những em khác qua đời mà không hề được điều trị,” bác sĩ Vàng Thị Trang, Phó trưởng khoa Nhi, bệnh viện huyện Điện Biên Đông cho biết.
Mặc dù tình trạng đáng báo động này không chỉ xảy ra ở Điện Biên, địa bàn này lại cho thấy một ví dụ đáng lo ngại về việc thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng kém phát triển trên toàn quốc, những yếu tố có thể dễ dàng tước đi cơ hội sống sót và phát triển của trẻ em.
“Bệnh viện của chúng tôi cần cơ sở vật chất tốt hơn và các trang thiết bị y tế như máy thở, máy khí dung và máy truyền dịch. Nếu không có thêm hỗ trợ, không chỉ các em mà còn rất nhiều trẻ về sau nữa cũng sẽ có thể bị suy dinh dưỡng,” bác sĩ Ly A Nụ, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện nhấn mạnh.
Một phép màu cứu mạng các em nhỏ
Ở một bản khác của tỉnh Điện Biên, bé Yêu mới 1 tuổi và thường xuyên ốm đau.
Chị Dúa, mẹ của bé Yêu cho biết: “Con bé ho nhiều, sốt và tôi phải bỏ công việc đi nương để ở nhà với bé.” Khi được Trạm Y tế xã Pu Nhi do UNICEF hỗ trợ liên hệ, vợ chồng chị đã lái xe vượt 11 km đường núi lởm chởm để đưa bé Yêu đi khám. Cũng giống như bé Máy, bé Yêu được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng nhưng may mắn được phát hiện và điều trị sớm hơn.
Chị Vàng Thị Dớ, nhân viên y tế ở trạm cho biết: “Gia đình cháu Yêu có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng, cháu sẽ hay bị ốm và cả thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng. Không chỉ thế mà bố mẹ cũng sẽ phải nghỉ làm để chăm sóc con, dẫn đến kinh tế càng khó khăn về mặt kinh tế để nuôi cháu.”
Chị Dớ động viên gia đình và hướng dẫn bố mẹ bé Yêu cho con ăn thực phẩm đặc trị suy dinh dưỡng (RUTF) ngày 3 lần như các bữa ăn chính, cho đến khi bé bình phục, và có thể cho bé ăn bình thường trở lại. RUTF được UNICEF và các đối tác mua và hỗ trợ chương trình dinh dưỡng của nhiều quốc gia sử dụng để điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Đây là sản phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên nghị dùng trên toàn cầu, như một sản phẩm duy nhất để điều trị cho các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng nhằm cứu mạng sống các em nhỏ hiệu quả nhất.
“Sau khi cháu sử dụng sản phẩm được 2 tuần, cân nặng của cháu tăng lên. Mình thấy vui sướng và tự hào khi cháu dần hồi phục và bố mẹ của cháu thì tin tưởng mình hơn,” chị Dớ nói thêm.
Những can thiệp hiệu quả của UNICEF
Sau vài tuần, bé Yêu bắt đầu ăn uống tốt dần lên và tăng cân. Nụ cười của bé được tô điểm bởi đôi má ửng hồng và đôi mắt lấp lánh. Bé bò nhanh, biết gặm ngón tay và chỉ vào những thứ xung quanh mình với sự tò mò và hứng thú.
“Cháu không còn bị ốm và có thể ăn uống tốt! Cháu cũng không còn khóc nhiều như trước nữa. Bây giờ tôi thấy yên tâm đi làm rồi,” Dúa vừa nói vừa ôm bé Yêu vào lòng. “Tôi rất biết ơn nhân viên y tế, UNICEF và chính phủ đã hỗ trợ và cung cấp cho chúng tôi sản phẩm kỳ diệu này.”
UNICEF tập trung vào việc hỗ trợ hệ thống y tế phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc cho mọi trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Cán bộ Trạm Y tế xã Pu Nhi được tập huấn sử dụng các phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phát hiện những trường hợp này. Họ cũng tư vấn cho các gia đình có trẻ nhỏ về chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn tốt cho sức khỏe hơn với giá cả phải chăng và đặc biệt là cung cấp và hướng dẫn sử dụng sản phẩm RUTF cho các hộ gia đình có trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.
Chị Dúa cũng được các nhân viên y tế giới thiệu tham gia Câu lạc bộ Làm Cha mẹ do UNICEF hỗ trợ. Câu lạc bộ tổ chức họp hai tháng một lần để tìm hiểu về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chị Dúa cho biết: “Cán bộ y tế đã dạy tôi cách nấu một bát cháo tốt đủ dinh dưỡng cho con.”
Sứ mệnh cao cả của UNICEF chấm dứt suy dinh dưỡng
Với kiến thức chuyên sâu rộng từ các quốc gia trên thế giới, các can thiệp của UNICEF về dinh dưỡng là dựa trên các bằng chứng xác thực có tính liên nghành và luôn đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chúng tôi là không thay đổi: chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng.
“UNICEF hỗ trợ hệ thống y tế quốc gia mở rộng quy mô của các giải pháp thiết thực nhất và tập trung vào việc nâng cao mức độ làm chủ của địa phương,” bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Chuyên gia Dinh dưỡng của UNICEF cho biết.
Tại tỉnh Điện Biên và trên khắp Việt Nam, UNICEF phối hợp với cơ quan chính phủ liên quan, các đối tác và cộng đồng để trải nghiệm triển khai cùng địa phương và mô hình hóa các cách thức tiếp cận khả thi và hiệu quả nêu trên, phân tích kết quả và vận động chính sách để mô hình được áp dụng trên quy mô trên toàn quốc. UNICEF cũng vận động để chính phủ các cấp có cơ chế tài chính bền vững đảm bảo cho mọi trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được cấp sản phẩm RUTF để điều trị.
Vẫn còn một chặng đường dài cho đến khi mọi trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng ở Việt Nam có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc cần thiết để phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, UNICEF sẽ không ngừng nỗ lực và tận tâm phối hợp cùng với các cơ quan y tế, nhân viên y tế, y tá cũng như cộng đồng cho mục đích bảo vệ và cứu sống mọi trẻ em.
“Không gì có thể làm chúng tôi hạnh phúc hơn bằng tiếng cười của trẻ thơ khỏi bệnh. Ngay cả khi các cháu ra viện, chúng tôi vẫn giữ liên lạc để thăm hỏi. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng,” bác sĩ Ly A Nụ, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện huyện Điện Biên Đông.