Một bệnh nhân nữ đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) vì xuất hiện tình trạng đau bụng. Bác sĩ chỉ định đi tầm soát ung thư cổ tử cung và phát hiện ra bệnh nhân đang nhiễm HPV. Trước đó bệnh nhân không hề biết rằng HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Bệnh nhân chia sẻ: “Trước khi đến bệnh viện, tôi không biết gì về HPV hết. Bị u nang buồn trứng rồi đến bệnh viện khám, bác sĩ chỉ định tầm soát ung thư thì mới biết bản thân bị nhiễm, phải khoét chóp, phát hiện HPV sớm nên tôi ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung”.
HPV là loại virus lây truyền phổ biến qua đường tình dục. Có hơn 100 type HPV, trong đó có những tpe HPV nguy cơ cao có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục và hậu môn. HPV dễ lây truyền và khả năng ai cũng có thể bị lây nhiễm, thậm chí có trường hợp chưa quan hệ tình dục cũng có thể nhiễm HPV qua đường tiếp xúc da, hoặc do ăn uống.
Bác sĩ CKII Võ Thị Mỹ Hạnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết: Theo nghiên cứu, ít nhất trong đời người phụ nữ có khả năng bị nhiễm HPV 1 lần, do đó việc nhiễm HPV không phải là điều phải lo sợ. Virus HPV là loại virus gây biến đổi tế bào ở cổ tử cung, và nó diễn biến từ mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng. Đối với nhóm nguy cơ cao thì cũng đến mười mấy loại, trong đó người ta nhấn mạnh đến virus số 16 và 18 dẫn đến ung thư cổ tử cung tiến trình nhanh hơn”.
Khi một người nhiễm HPV không tự khỏi, bệnh có thể sẽ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thời gian phát triển dài, trung bình khoảng từ 10 đến 15 năm, từ giai đoạn tiền ung thư cho đến ung thư. Chính vì vậy, dự phòng HPV càng sớm càng tốt, đồng thời tầm soát định kỳ sẽ giúp phụ nữ ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư cổ tử cung.
Nội dung này do Hội Y tế Dự phòng Việt Nam cung cấp và MSD tài trợ vì mục đích giáo dục. VN-GSL-00804 17052026