Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, dậy thì sớm được xác định khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì sớm đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ như từ di truyền, văn hóa xã hội, thói quen trong lối sống sinh hoạt như tiếp xúc thường xuyên thiết bị điện tử, vấn đề về dinh dưỡng như ăn nhiều thức ăn nhanh…
Dậy thì sớm là một bệnh lý nội tiết cực kỳ phức tạp bao gồm dậy thì sớm trung ương, dậy thì sớm ngoại biên và ngoại thì sớm đơn độc. Dậy thì sớm trung ương là những tác động vào con đường chuyển hóa hóc môn từ hạ đồi tuyến yên đến hạ đồi tuyến sinh dục hay tuyến thượng thận. Dậy thì sớm ngoại biên là những trường hợp tổn thương nội tiết ngoại biên tác động vào nội tiết của dậy thì. Dậy thì sớm đơn độc là các biểu hiện đơn độc của các bộ phận sinh dục của trẻ.
Dậy thì sớm có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ khi có những dấu hiệu phát triển sinh lý trước tuổi. Những biến đổi tâm sinh lý trong thời gian dậy thì dễ khiến trẻ lơ là, bỏ bê việc học… Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm sẽ lớn vọt so với bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm, xương dài của trẻ dậy thì sớm sẽ đóng rất nhanh, ngừng phát triển và khiến trẻ không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Đồng thời, sự phát triển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến những hành động ham muốn về sinh lý trước tuổi, trong khi khả năng tự kìm chế kém, dễ phát sinh các hệ lụy về xã hội và sức khỏe bản thân trẻ.
Cũng theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, chẩn đoán và can thiệp sớm có thể giúp đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp. Do đó, phụ huynh cần chú ý quan sát trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện dậy thì sớm bệnh lý như chiều cao tăng rất nhanh, ngực, vú, bộ phận sinh dục phát triển giống dậy thì trước thời điểm 8 tuổi của trẻ nữ và trước 9 tuổi đối với trẻ nam thì cha mẹ nên đưa bé đến khám ở bác sĩ nội tiết để được chẩn đoán và có hướng can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, để ngăn ngừa trẻ dậy thì sớm cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp cho trẻ, thức ăn có lượng đạm vừa đủ; tăng cường ăn rau củ quả, trái cây; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều chất béo và có hàm lượng đường cao, thực phẩm từ gia súc, gia cầm có sử dụng chất tăng trọng; tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm trái mùa.
Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất 30 phút/ngày; các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu… không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn có nhiều lợi ích trong việc trau dồi kỹ năng sống cho trẻ. Không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng; tránh cho trẻ tiếp xúc với thuốc và mỹ phẩm, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, máy tính bảng khi còn quá nhỏ…