Bác sĩ Trần Ngọc Hội – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh suy giãn tĩnh mạch là bệnh có lúc triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài, nhưng cũng có khi âm thầm. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền (khoảng 80% bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch có cha hoặc mẹ mắc bệnh), thay đổi nội tiết tố hay lối sống tĩnh tại, thói quen ít vận động khiến các van mạch máu làm việc nhiều hơn dẫn đến suy yếu hoặc bị hỏng. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều, thói quen đi giày cao gót, mặc quần chật…
Khi mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, các triệu chứng ban đầu của người bệnh thường rất mờ nhạt và thoáng qua. Tuy nhiên, có một số biểu hiện nếu chú ý sẽ nhận thấy được, như: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, châm chích, cảm giác như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hội, bệnh suy giãn tĩnh mạch thường thấy những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới như khuỷu chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi. Vùng da bị giãn tĩnh mạch thường có màu xanh. Giãn tĩnh mạch nặng hay nhẹ không liên quan nhiều đến kích thước cũng như số lượng tĩnh mạch bị giãn.
Nếu ở chân thì những biểu hiện hay gặp nhất đầu tiên là có cảm giác nặng chân, mỏi chân kèm theo việc đứng lên hoặc ngồi xuống rất khó khăn. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn. Chuột rút là một triệu chứng có thể gặp trong bệnh giãn tĩnh mạch nhưng không phải hễ chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch, bởi vì, chuột rút còn do nhiều nguyên nhân khác như cơ thể thiếu nước, thiếu chất điện giải (natri, magiê, canxi, kali…), hoặc do đái tháo đường…
Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Có trên 75% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng.
Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ Hội khuyến cáo: Bệnh nhân nên tránh đứng lâu, đứng nhiều một chỗ, khi ngồi không vắt chéo chân, tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Khi ngủ kê hai chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để máu lưu thông được dễ dàng. Cần ăn các loại thức ăn có nhiều vitamin, nhất là các loại quả, rau để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần phải đi khám và điều trị thích hợp. Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân theo xu hướng vuốt dọc từ mu bàn chân lên cẳng chân, đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng.