Tại Việt Nam, khoảng 20% dân số mắc viêm đại tràng mãn tính và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng căn bệnh này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn khiến người bệnh phải đối mặt với tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Một bệnh nhân chia sẻ: “Cơn đau đại tràng khiến tôi gặp nhiều khó khăn khi đi vệ sinh. Những ngày đau nặng, tôi phải đi ngoài đến ba lần mỗi ngày, còn bình thường thì khoảng hai lần vào buổi sáng. Tôi đã thử nhiều loại thuốc nhưng tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm.”
Viêm loét đại tràng mãn tính có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường sống và rối loạn miễn dịch, thường gặp ở người trong độ tuổi 15-30, bệnh tiến triển âm thầm với các triệu chứng điển hình như đau bụng, tiêu chảy kéo dài, đi ngoài ra nhầy máu.
Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh có thể bị mất nước, thiếu máu, sụt cân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Thu, Khoa Nội Tổng hợp Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Phương pháp điều trị viêm loét đại tràng mãn tính chủ yếu là sử dụng thuốc. Trong đó, nhóm Amino Salicylat giúp giảm tình trạng viêm. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc này, có thể sử dụng Docytox. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc ức chế miễn dịch hoặc một số chế phẩm sinh học. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kê các loại thuốc hỗ trợ như giảm đau, giảm co thắt, thuốc chống tiêu chảy hoặc táo bón.”
Để kiểm soát bệnh hiệu quả, người mắc viêm loét đại tràng mãn tính cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, cụ thể nên chia nhỏ bữa ăn, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, chất kích thích, thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn nhạt và giảm đường. Đồng thời, việc duy trì lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh.
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.