Sau khi tiếp nhận và khai thác nhanh bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ trực cấp cứu lập tức sốc điện 2 lần, kết hợp cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn nâng cao. Sau 5 phút, bệnh nhân có lại nhịp tim, bắt đầu có những nhịp tự thở, phản xạ đồng tử có phản ứng, huyết áp tụt phải dùng thuốc vận mạch.
Đây là trường hợp cần can thiệp những biện pháp chuyên sâu, ekip trực đã nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân an toàn đến bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị. Sau 1 ngày, bệnh nhân ổn định và đã được rút ống nội khí quản.
BSCKI. Võ Văn Út – Khoa Khám bệnh cấp cứu, người cấp cứu cho bệnh nhân cho hay, điện giật là tai nạn nguy hiểm thường gặp, tác động của dòng điện có thể làm tử vong hoặc tổn thương bất kỳ bộ phận hay chức năng của cơ thể con người. Do đó, việc sơ cứu người bị nạn đúng và an toàn góp phần cứu sống nạn nhân, tránh các nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy như: sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật.
Bệnh nhân này rất may mắn vì được đưa đến viện kịp thời và được sốc điện lập tức để giải quyết rối loạn nhịp nên giảm được những biến chứng về sau.
“Việc cấp cứu ngừng tim cần thực hiện ngay lập tức tại hiện trường, ngay sau khi đã đưa người bệnh ra khỏi vị trí nguy hiểm. Người phát hiện nên lập tức thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho người bệnh và gọi cấp cứu hỗ trợ. Trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện, nếu người bệnh chưa hồi tỉnh, hãy cố gắng đảm bảo duy trì ép tim ngoài lồng ngực liên tục. Có thể kết hợp thổi ngạt đúng cách (nếu biết), hoặc nếu không chỉ cần đảm bảo ép tim liên tục là đã góp phần tăng khả năng hồi phục và giảm nguy cơ tổn thương não, giúp cho tiên lượng sống của người bệnh sau này cao hơn” – bác sĩ Út khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Út, người thân cần chú ý kiểm tra các chấn thương kèm theo do té ngã sau khi nạn nhân bị điện giật, nhất là chấn thương cột sống cổ. Khi vận chuyển, nên để người bệnh nằm thẳng kèm theo cố định cột sống cổ, nếu không có phương tiện chuyên dụng, có thể dùng gối hoặc khăn vải cuộn tròn chèn 2 bên cổ tránh di động đầu cổ nhiều trong khi vận chuyển. Không nên bồng vác, xốc người bệnh nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống.