Đó là trường hợp người bệnh Đ.Đ.N., nam, 59 tuổi, trú tại Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Khi người bệnh đang tập gym (nâng tạ) thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục xuống, ngất, vã mồ hồi.
Người bệnh được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh 120 lần/ phút, huyết áp không đo được, SpO2 86% với thở oxy mask 15 lít/p. Sau đó, tri giác người bệnh xấu dần, huyết áp vẫn không đo được và được hồi sức với Noradrenalin liều cao 0,4 ug/kg/phút để nâng huyết áp.
Người bệnh ngay lập tức được hội chẩn cấp cứu với bác sĩ hồi sức tim mạch. Kết quả siêu âm tim tại giường cho thấy tràn dịch màng tim lượng nhiều, bề dày lớp dịch khoảng 25 mm, đè sụp thất phải nên cần tiến hành chọc hút dịch màng ngoài tim giải áp.
Sau hội chẩn, người bệnh được chuyển vào Khoa Phẫu thuật tim với chẩn đoán là chèn ép tim cấp tràn máu màng ngoài tim, nghi sau nhồi máu cơ tim. Tình trạng người bệnh ngày càng nguy kịch, trụy tim mạch càng nặng hơn với mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tím toàn thân, tiêu phân không tự chủ, tiếng tim không nghe được, men tim 2500 ng/L.
TS.BS Bùi Minh Thành – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim cho biết: Trước tình thế nguy nan này, các bác sĩ đã vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ và tiến hành mở ngực cấp cứu. Ngay sau khi cưa nhanh xương ức bộc lộ tim, màng ngoài tim rất căng, không đập, chứa đầy máu. Mở màng ngoài tim, máu trào ra ngập cả khoang trung thất, hút được hơn 800 ml, tim được giải áp và đập nhanh nhưng được bao bọc bởi một lớp máu đông khá dày (chính lớp máu đông này đã cứu sống bệnh nhân).
Lấy toàn bộ lớp máu đông này, các bác sĩ phát hiện một vùng tím, mềm, ở thành sau thất trái, lan xuống phía mỏm tim, diện tích khoảng hơn 6 cm2, ngay trên diện tím này có một vết thủng dài khoảng 7mm, tim gần như rỗng. Ekip phẫu thuật tích cực bơm máu, bù dịch, tủa lạnh… đồng thời tiến hành khâu đóng vết thủng tim trên nền nhồi máu cơ tim với kỹ thuật chuyên biệt. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3,5 giờ đồng hồ.
Theo TS.BS Bùi Minh Thành, vỡ tim là tình trạng khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim, gây hoại tử thành cơ tim và vỡ thành cơ tim tại những điểm cơ tim bị suy yếu do hoại tử. Vỡ tim gây chảy máu, sốc tim, suy tim nặng. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao. Thậm chí, sau mổ tỷ lệ tử vong của người bệnh vẫn có thể xảy ra do những biến chứng của vỡ tim gây ra.
Những ngày hồi sức tim, mặc dù người bệnh có mạch huyết áp cải thiện dần, từ vô niệu, thiểu niệu rồi nước tiểu nhiều và vàng trong hơn, chức năng thận và gan hồi phục. Men tim tăng lên 7.700 ng/L. Tuy nhiên, người bệnh rơi vào tình trạng có những cơn loạn thần và nói nhảm do thiếu máu não, cần phải dùng an thần liều cao.
Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định, rút nội khí quản, các dấu hiệu sinh tồn bình thường, tri giác hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn, không đau ngực. Người bệnh sẽ được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn từ đó bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Khai thác tiền sử cho thấy người bệnh có đau ngực trước nhập viện 5 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 phút. Theo suy đoán của bác sĩ, thời điểm đó có thể người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Khoảng thời gian này đủ để làm cơ tim bị thiếu máu, rồi hoại tử. Khi người bệnh có hoạt động gắng sức mạnh, trong trường hợp này là nâng tạ khi tập gym thì gây nên vỡ hay thủng tim. Mặt khác, thành sau thất trái là vị trí mỏng nhất của thất trái (thất trái co bóp sẽ bơm máu đi nuôi cơ thể), vị trí nhồi máu lại ngay chỗ mỏng nhất của thất trái, cho nên dễ có nguy cơ vỡ thất trái, nhất là trong nhồi máu cơ tim xuyên thành, gây tử vong nhanh nếu không can thiệp kịp thời.
Hoạt động thể dục là cần thiết, nhưng tùy theo từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe, áp dụng các phương pháp tập luyện phù hợp, không nên gắng sức khi đã có tuổi. Khi thấy có dấu hiệu đau ngực, kéo dài hơn 10-15 phút, đau gây ngưng thở… thì nên đi khám bệnh, để phát hiện, điều trị và theo dõi cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim “thầm lặng”.