Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, trong mưa bão, người dân cần luu ý các nguy cơ tai nạn thương tích như sau:
1. Đuối nước: Các cơn bão kèm theo mưa to gió lớn, có khả năng gây ngập lụt, kèm theo nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Để phòng tránh đuối nước nói chung, trong thời điểm mưa bão nói riêng cần rào ao, các hố nước, rãnh nước quanh nhà; đậy nắp giếng, bể… bằng các nắp đậy an toàn; mặc áo phao khi phải di chuyển, không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; chú ý quan sát, đi chậm khi lưu thông trên đường. Tốt nhất là nên ở trong nhà khi mưa bão.
2. Điện giật: Mưa bão cũng có thể gây ra các sự cố về điện. Nguy cơ điện giật cao khi người dân không may bị dẫm vào dây điện hở, hay dây điện đứt rơi vào người. Cần hạn chế di chuyển gần đường điện, quan sát đường điện nơi mình di chuyển, không đứng gần các cột điện, không mang theo vật dụng có thể dẫn điện trong người và cố gắng tìm nơi khô ráo tránh trú để phòng ngừa điện giật. Ngắt cầu dao điện trong nhà khi nhận thấy nước dâng cao có thể ngập các ổ điện. Đồng thời báo cho đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
3. Cây đổ đè vào người: Mưa to gió lớn có khả năng làm rất nhiều cây xanh bị gãy đổ. Bị cây đổ vào người có khi gây gãy xương, nếu không được sơ cấp cứu đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân. Vì vậy khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, nên bình tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh. Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Để phòng trách tai nạn này khi trời mưa cần tránh di chuyển gần, nhất là những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm… Có biện pháp cắt tỉa cành, phòng ngừa cây đổ vào nhà nếu quanh nhà có trồng cây lớn.
4. Tai nạn sụp hố ga: Thường xảy ra ở đô thị do sau mưa bão, đường phố ngập nước. Lúc này người tham gia giao thông không biết đâu là đường, đâu là hố ga để tránh. Miệng cống, hố ga lại thường xuất hiện xoáy nước và lực hút rất mạnh, do vậy, nếu người đi đường không cẩn thận sẽ bị hút trôi xuống ngay lập tức.Biện pháp an toàn là mọi người nên hạn chế ra đường khi đang có mưa bão ngập lụt.
Theo cơ quan khí tượng thuỷ văn, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng khoảng 12-14 cơn bão/ATNĐ trong năm 2023, vì vậy việc phòng ngừa tai nạn thương tích trong mùa mưa bão cần được hết sức lưu ý. Ngoài ra, trong mùa mưa bão có vô số vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, cung cấp nước sạch… tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm…
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thận trọng lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc, các hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.