Bệnh nhân bị bệnh 2 ngày trước khi nhập viện, khởi phát với triệu chứng đau họng, sốt cao, rét run, đau đầu, ý thức chậm dần, nổi ban xuất huyết toàn thân. Bệnh nhân được được quân y đơn vị truyền dịch, dùng kháng sinh đường tĩnh mạch nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Bệnh nhân được chuyển ngay đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng nguy kịch, tiếp xúc chậm; môi khô, lưỡi bẩn, sốt cao 40 – 41 độ C; chảy máu mũi và miệng; ban xuất huyết hoại tử rải rác toàn thân người; hội chứng màng não rõ…
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm lúc vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/ nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não theo dõi do não mô cầu. Đây là một thể bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, nguy cơ lây nhiễm cao cho những người tiếp xúc gần.
Bệnh nhân được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt nội khí quản và thở máy. Liệu pháp kháng sinh được bắt đầu ngay sau khi cấy máu với các thuốc đường tĩnh mạch. Sau khi bù dịch, huyết áp bệnh nhân không được cải thiện, dao động ở mức 80-85/50 mmHg, bệnh nhân được sử dụng thuốc vận mạch noradrenalin.
Vì xuất hiện suy tuần hoàn, toan chuyển hóa, suy thận cấp bệnh nhân đã được lọc máu liên tục (CVVH), kèm theo biện pháp bù nước điện giải, hạ sốt, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa. Đồng thời, bệnh nhân cũng được truyền 2 đơn vị huyết tương tươi và 1 đơn vị khối tiểu cầu.
Sau khi có kết quả cấy máu dương tính với N. Meningitidis, dựa vào kết quả kháng sinh đồ, bệnh nhân tiếp tục được duy trì phác đồ đang sử dụng.
Sau 5 ngày điều trị, các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm của bệnh nhân cải thiện. Ngày thứ 7 bệnh nhân được rút nội khí quản. Sau 20 ngày điều trị, xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường, tình trạng lâm sàng ổn định và được xuất viện về đơn vị công tác.
Theo các bác sĩ, Neisseria meningitidis (N. Meningitidis: vi khuẩn não mô cầu hay còn gọi là màng não cầu) là một song cầu Gram âm và hiếu kỵ khí tùy ngộ. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
Người là ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên. Có khoảng 10% người lớn và 24% thanh thiếu niên mang mầm bệnh. Biểu hiện lâm sàng nặng có thể gặp viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người mang vi khuẩn không triệu chứng).
Để dự phòng bệnh, hiện nay đã có vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C.