Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2/7 hàng năm là Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra các dịch, bệnh ở trẻ em cũng như người lớn như các bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, giun sán,… Đặc biệt, hai căn bệnh đang được ghi nhận số mắc tăng tại Đồng Nai thời gian gần đây đó là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, đến ngày 22/6, số ca mắc tay chân miệng toàn tỉnh được ghi nhận là 1.694 ca, đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh; số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh được ghi nhận là 1.744, trong đó có 4 ca tử vong.
Đây là các bệnh truyền nhiễm, có khả năng gây dịch trên diện rộng. Vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh môi trường tốt là những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân trước hết là để bảo vệ bản thân mỗi người, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chính vì thế, để phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… mỗi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hàng ngày.
Các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng bệnh bao gồm: Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh, sau khi ho, hắt hơi, sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ (tay nắm cửa, công tắc điện, bồn cầu…), sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với động vật, vật nuôi… Thời gian rửa tay ít nhất 30 giây, áp dụng theo đúng quy trình rửa tay 6 bước.
Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể hàng ngày: Thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch trong phong trào “5 không, 3 sạch” bao gồm: sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn với an toàn thực phẩm; sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, các biện pháp cải thiện vệ sinh môi trường cũng rất quan trọng như:
Thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng như: công sở, bến xe, siêu thị, chợ, nơi tổ chức lễ hội…
Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, dời chuồng gia súc ra xa nhà và không thả rông gia súc.
Xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình, chấm dứt đi tiêu bừa bãi.
Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, dụng cụ chứa nước.
Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây truyền cho con người.