Ngày Viêm gan Thế giới được tổ chức nhằm mục đích tăng cường nhận thức và hiểu biết về viêm gan siêu vi và những bệnh mà nó gây ra. Đây là cơ hội để tập trung vào những hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng ngừa, tầm soát và kiểm soát viêm gan siêu vi và các bệnh liên quan; gia tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine viêm gan B và tích hợp vào chương trình tiêm chủng quốc gia; và phối hợp đáp ứng toàn cầu với bệnh viêm gan.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 3 triệu ca mắc mới và 1 triệu ca tử vong mỗi năm do virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị; tương tự 21% bệnh nhân viêm gan C được chẩn đoán, trong số đó chỉ 62% được điều trị. Trên toàn cầu chỉ có 42% trẻ em được tiêm liều viêm gan B sau sinh.
Vius viêm gan A, B, C, D và E có thể gây ra nhiễm trùng gan cấp tính và mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Các loại virus này tạo thành nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe toàn cầu, với khoảng 240 triệu người mắc viêm gan B mạn tính và khoảng 150 triệu người mắc viêm gan C mạn tính.
Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan có thể được phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi. Vaccine viêm gan B có hiệu quả đến 95% trong việc phòng ngừa nhiễm mới viêm gan B. Một số người bị viêm gan B có thể phải điều trị suốt đời. Trường hợp khác, họ luôn phải kiểm tra và theo dõi bệnh thường xuyên. Người bị viêm gan C nên đi điều trị để chữa khỏi hoàn toàn. Phần lớn người mắc viêm gan C có thể chữa khỏi hoàn toàn trong 3 tháng.
Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới vào viện, lúc này bệnh đã vào giai đoạn muộn.