Người bệnh H.V.T. (58 tuổi, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, không sốt, thể trạng suy kiệt nặng. Người bệnh có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có tiếng tim mờ, nhịp nhanh, huyết áp tụt, kết quả điện tim có hình ảnh điện thế thấp, điện thế luân phiên (hình ảnh điển hình do tràn dịch màng tim), siêu âm tim phát hiện nhiều dịch màng tim.
BSCKI. Bùi Xuân Khánh, Phó Giám đốc bệnh viện đã triển khai kỹ thuật chọc dịch màng tim bằng Catherter cho người bệnh ngay tại giường bệnh dưới hướng dẫn siêu âm. Sau 30 phút thu được hơn 1.000ml dịch đỏ không đông.
Người bệnh ngay lập tức cải thiện các triệu chứng trên lâm sàng và xét nghiệm. Hết đau ngực, hết khó thở, điện tim hết các dấu hiệu điện thế thấp và luân phiên.
Hiện tại, người bệnh tiếp tục được dẫn lưu dịch dưới hệ thống kín, áp lực âm, chăm sóc, thay băng, theo dõi và đánh giá sát sao tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
BSCKI. Bùi Xuân Khánh cho biết: Tràn dịch màng tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung đều rất nguy hiểm. Trong trạng thái bình thường, trái tim của chúng ta được bao quanh bởi một lớp bọc và tạo ra một khoang màng ngoài tim có chứa khoảng 15 – 50ml dịch. Khi tình trạng dịch ở màng ngoài tim tăng lên gây chèn ép tim cấp tính (trái tim như đang bơi đuối sức trong bể bơi), các buồng tim không thể giãn nở được, máu không về tim được và tim co bóp không hiệu quả khiến người bệnh tụt huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo: Ở những người bệnh có các yếu tố nguy cơ có thể gây ra tràn dịch màng tim như: Ung thư, suy kiệt, viêm màng tim, xơ gan, hội chứng thận hư… khi có các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, ngộp thở… cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.